Hàng xóm kinh dị: Tự nhiên như... ruồi

Google News

(Kiến Thức) - Ở bên kia cái “dậu mùng tơi” nhà tôi, tất nhiên, là một người hàng xóm. Bảo hàng xóm nhà tôi xấu thì cũng chẳng phải, nhưng bảo là tốt, là quý đến mức “bán anh em xa mua láng giềng gần” thì vợ chồng tôi đều nhìn nhau mà ngán ngẩm. Bởi một lẽ “láng giềng gần” nhà tôi lại cứ tưởng mình gần đến mức tự nhiên hơn cả người nhà. Nói xin đừng ai cười, thật đúng là “tự nhiên như ruồi”!

Tôi gọi “ở bên kia bờ dậu” cho nó dễ hình dung thôi chứ nhà tôi với nhà hàng xóm chỉ cách nhau có nửa hàng gạch. Gọi nửa hàng vì chúng tôi ở nhà tập thể, một bức tường chung chia hai nhà. Bởi thế mà so với những nhà may mắn tọa lạc trên mặt đất, chúng tôi đã gần lại càng gần hơn, chung nhau từ ống nước, đường thải, cái bể phốt, cái hành lang...

Xin kể thêm, hàng xóm nhà tôi là hai vợ chồng trẻ, cũng chỉ hơn chúng tôi ít tuổi. Anh chồng tên Cường làm công nhân ở công ty in, chị vợ tên Thu là nhân viên siêu thị, nhưng từ lúc sinh con chị nghỉ làm ở nhà.

Cứ đến giờ ăn là chị bê thằng bé sang nhà tôi...
Cứ đến giờ ăn là chị bê thằng bé sang nhà tôi.

Ở chỗ tập thể, chung nhau nhiều thứ, nên chuyện nhà này có khi phải qua lại nhờ vả nhà kia là chuyện rất bình thường; nhất là khi nhà lại có trẻ nhỏ. Tôi cũng là người thoải mái nên không câu nệ gì. Ngay từ khi tôi mới chuyển về, nhà hàng xóm khi thì bảo con ốm lười ăn quá, cho cháu qua chơi tí cho lạ nhà để dỗ ăn; khi mượn cái tô vít, xin củ hành... thậm chí bận bịu dở việc nhờ trông con cái hộ một lúc, tôi đều vui vẻ nhận lời...

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, sự dễ dãi, vui vẻ của tôi đã phải chuyển sang thành khó chịu bởi vì nó bị tận dụng triệt để. Mà thậm chí dù tôi đã đôi lần ý tứ tỏ ra là mình đang khó chịu mà chị hàng xóm vẫn ngây thơ như không hề biết.

Chuyện cho con ăn ở cửa, rồi vào hẳn trong, có khi leo lên giường nhà tôi đã gần như trở thành “cơm bữa”. Cứ đến giờ ăn của thằng bé con là chị Thu dắt nó sang, thậm chí tôi mà đóng cửa thì chị gọi. Khổ nỗi, nhà tập thể bé xíu xiu, phòng khách, ăn, ngủ là một chứ làm gì có riêng. Ngay cả con tôi tôi cũng phải bắt ngồi ghế ăn một chỗ để khỏi dây bẩn cả nhà, thế mà chị cứ cho con chị chạy tung tăng, con đằng trước, mẹ đằng sau đút.

Chẳng nói đến những lúc nó tè, ị, nôn ra nhà mà tôi vì lịch sự đành phải bảo “thôi chị để em dọn cho”, chỉ riêng việc mỗi lần hai mẹ con chị Thu chiến đấu xong bát cơm hay bát cháo, tôi phải đi khắp nhà nhặt hạt rơi hạt vãi để con nhỏ khỏi dẫm vào lúc đùa chơi đã đủ mệt. Tôi có lần bực mình nhắc chị thì chị cười hì hì “ấy, em cứ để đấy sau chị nhặt cho”. Nhưng rồi chỉ thấy cứ ăn xong là chị cắp con về.

Trẻ con thì làm gì chẳng cần có người lớn ngó tới: dù ăn, chơi hay ngủ. Chị viện cớ nhà chị mỗi hai vợ chồng, bận bịu nên cứ ăn sáng xong là mở cửa, đẩy con sang nhà tôi hoặc thi thoảng vào nhà nào cạnh đó nữa, xong rồi chị yên tâm mặc kệ để hàng xóm trông hộ không công, còn chị thản nhiên làm việc nhà mình. Đến giờ ăn của con thì chị lại vác bát sang cho ăn, chỉ đến giờ ngủ trưa mới đón về. Chiều dậy, lại điệp khúc ấy đến bữa tối...

Tôi chỉ muốn treo cái biển "không làm phiền" trước cửa nhà. Ảnh minh họa.
Tôi chỉ muốn treo cái biển "không làm phiền" trước cửa nhà. Ảnh minh họa.

Thi thoảng một ngày như thế thì chẳng sao, đằng này cứ ngày nào tôi nghỉ làm là như vậy, đến mức lắm hôm tôi mệt quá muốn nằm nghỉ cũng không được vì nó hò hét, nghịch ngợm, phải bê ghế ra cửa ngồi, kêu nhức đầu với chị... Đến thế mà chị Thu cũng chẳng biết ý bế con về, còn cười hềnh hệch “uống hỗn hợp thần kinh nhanh đỡ lắm em” khiến cục tức của tôi dâng lên tận cổ.

Mẹ sao thì con vậy, bây giờ thằng bé nhà chị Thu cũng mặc nhiên coi nhà tôi như nhà nó, cứ lúc nào muốn sang chơi là nó bảo mẹ nó: “Con sang nhà em Bông đây”. Có hôm nghe nó nói bên nhà thế, tôi đang mệt nên ra chốt cái cửa ở phía trong, ai dè, nó tự thò tay vào mở chốt, lại đi vào, lại tự nhiên bê đồ trên giá xuống, đến lúc chơi mệt tự trèo lên giường lấy gối nằm nghỉ.
 
Tôi ức chế vô cùng vì không thể chấp trẻ con và chị Thu thì càng ngày càng tự tiện vào bếp, mở tủ,... coi như ấy là điều hiển nhiên.

Những lúc cho con sang nhà tôi ăn cháo, chị tự mở tủ lạnh “cho chị tí ruốc cho đỡ nhạt nhé”; khát chị cũng tự rót nước, mở tủ lấy đá pha... Có hôm chị còn nổi hứng tự mở tủ quần áo của tôi, nhấc hết cái này đến cái khác ra xem rồi bình luận. Mùa hè nóng nực, qua nhà tôi chị thậm chí còn tự bật điều hòa ngồi chơi cho mát hay có lần tiện tay, chị mở luôn cái ví tôi để trên bàn, "đếm thử" xem trong ví tôi có bao nhiêu tiền... Tôi đã mấy lần không kiềm chế được, định nói thẳng cho chị biết thì chồng tôi lại gạt đi, bảo thôi.

Mấy hôm nay thì chị ít qua nhà tôi rồi! Chị đang dỗi.
 
Chuyện là hôm trước tôi ở nhà một mình, ra khu bếp tắm, chỉ cài cái chốt trên nhà. Xong, tôi lên nhà (khu TT của chúng tôi tách riêng nhà và bếp) thì giật mình thấy điện sáng, tiếng tivi oang oang. Hóa ra hai mẹ con chị đã tự vào nhà, bật tivi rồi nằm khểnh ra xem cùng nhau. Tôi bình thường đã vì nể chị là hàng xóm lại lớn tuổi hơn nên rất nhịn rồi, hôm ấy cáu quá không chịu được nữa, mới nói: “Chị vào nhà thì phải hỏi chứ. Em không có ở trong nhà mà chị cứ thoải mái vào, rồi dùng đồ đạc nhà em như nhà mình ấy”. Thế là chị đùng đùng dắt con về.

Chồng tôi đang trách vợ không khéo cư xử làm mất tình hàng xóm láng giềng, còn tôi thấy dễ thở hẳn từ ngày chị giận dỗi không sang nữa. Tôi tự biết những việc chị làm chẳng có gì trầm trọng, nhưng nó mang lại những bực dọc không đáng có, và cứ tích ngày này qua ngày khác trong tôi, khiến sự cảm mến tôi dành cho chị không còn, khiến tôi lúc nào cũng chỉ muốn treo biển "không làm phiền" trước cửa nhà, dù ngày xưa tôi chẳng bao giờ nghĩ như vậy.
 
Huyền Thanh (Khu tập thể Thành Công, Hà Nội)
 
BÀI ĐỌC NHIỀU:

Bình luận(0)