Xoài là loại cây ăn quả nhiệt đới được cho là có nguồn gốc ở miền Đông Ấn Độ và các vùng giáp ranh như Miến Điện, Việt Nam, Malaysia. Do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên xoài ở nước ta được trồng trải dài từ Nam ra Bắc.
Là loại trái cây có mùi thơm dễ chịu, vị ngọt đậm đà lại có mức giá bình dân nên xoài được đông đảo người Việt Nam ưa chuộng.
Xoài chín tự nhiên mang giá trị dinh dưỡng cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy dinh dưỡng trong xoài thực sự giúp chống lại quá trình lão hóa da liên quan đến tia UVB. Hơn nữa, nhờ hàm lượng vitamin A, xoài có khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo da. Retinol trong vitamin A giúp kích thích sản sinh tế bào da mới. Nó được chứng minh là không chỉ bảo vệ chống lại sự phân hủy collagen mà còn giúp làm chậm quá trình lão hóa.
Xoài cũng giúp giảm táo bón và hỗ trợ tiêu hóa. Các enzym tiêu hóa trong xoài giúp lợi khuẩn đường ruột, cho phép tiêu hóa tự nhiên, hiệu quả. Các thành phần hoạt tính sinh học như aldehyde, tecpen và este có trong xoài góp phần thúc đẩy cảm giác thèm ăn đồng thời cải thiện hoạt động của đường tiêu hóa.
|
Xoài chín tự nhiên đều màu, thường có màu vàng tươi, bên ngoài không có những vết thâm và đốm đen. Ảnh minh họa.
|
Trong một nghiên cứu trên những người bị táo bón mạn tính, lượng chất xơ đáng kể trong xoài có ích với hệ tiêu hóa, giúp giảm đáng kể triệu chứng táo bón. Tuy nhiên, ăn quá nhiều xoài có thể gây đầy hơi, trướng bụng ở một số người, đặc biệt là những người mắc hội chứng ruột kích thích. Một số trường hợp tiêu thụ quá nhiều xoài còn bị tắc ruột do quá tải chất xơ trong đường tiêu hóa.
Đặc biệt, quả xoài chứa hơn 10 loại polyphenol. Các hợp chất thực vật này có đặc tính chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào khỏi sự phá hủy ADN có thể dẫn đến các bệnh thoái hóa, bao gồm đái tháo đường type 2 và ung thư.
Xoài rất giàu chất xơ hòa tan được gọi là pectin có thể giúp giảm cholesterol. Pectin được biết đến với đặc tính chống ung thư đã cho kết quả tích cực trong việc ngăn ngừa sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt.
Một thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu Thực phẩm Hoa Kỳ cho thấy, pectin kết hợp với galectin 3, là một loại protein đóng vai trò quan trọng trong tất cả các giai đoạn của bệnh ung thư. Một nghiên cứu từ Cuộc điều tra Triển vọng về Ung thư của châu Âu cũng chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa loại trái cây nhiệt đới này và việc giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, xoài là loại quả khó giữ được chất lượng trong quá trình thu hái, vận chuyển. Vì vậy, nhiều thương lái đã tiến hành thu mua xoài xanh sau đó dùng hóa chất kích chín để xoài trông ngon hơn mà không bị giập nát.
Những quả xoài tẩm hóa chất vừa không ngon vừa gây nguy hại đến sức khỏe người dùng. Bởi vậy, khi đi mua xoài bạn cần quan sát kỹ để có thể phân biệt xoài chín tự nhiên và xoài bị tẩm hoá chất kích chín.
Về vấn đề này, một chủ cửa hàng trái cây tiết lộ, riêng về xoài, khi mua nên chú ý đến phần cuống. Xoài chín cây sẽ có cuống tươi, màu vàng đều, khi ấn vào phần thịt quả mềm, còn xoài có hóa chất phần cuống bị héo, phần đầu hay bị hư trong khi phần dưới vẫn còn xanh. Khi ngửi, xoài chín tự nhiên có mùi thơm đặc trưng còn xoài tẩm hóa chất thường không có mùi, thậm chí vẫn còn lưu lại mùi hóa chất dùng để ép chín. Xoài chín tự nhiên ngọt thơm và có thể để lâu hơn xoài bị tẩm hóa chất.
Ngoài ra, những quả xoài ngoài vỏ còn xanh hoặc có màu xanh vàng nhạt nhưng bên trong chín vàng cũng dễ có nguy cơ bị "tắm" hóa chất. Khi ăn, những quả này thường có vị nhạt nhẽo do bị ép chín chứ không phải chín tự nhiên.
Một chủ cửa hàng trái cây khác cũng chia sẻ: Xoài có hóa chất màu thường không đều, cuống bị héo, trên trái xoài thường xuất hiện một số đốm đen, cuống không tươi. Trái lại, xoài chín tự nhiên đều màu, màu vàng tươi, trên trái xoài không có những vết thâm và đốm đen.
Cùng quan điểm trên, một số người nội trợ có kinh nghiệm cũng cho hay, xoài chín cây không bị thâm đen hay có vết bầm tím, cầm chắc tay, ấn vào phần thịt không bị nát, khi ăn có vị ngọt đậm tự nhiên. Trong khi đó đó xoài chín do dùng thuốc kích thích thường chín không đều, dễ bị sượng, có xen kẽ sọc xanh, mùi vị không thơm.