Trinh không nhớ mình bị tai nạn thế nào, chỉ biết khi tỉnh lại thì cô đã nằm trên giường bệnh trắng xóa trong phòng hậu phẫu. Mở mắt ra, người đầu tiên mà cô nhìn thấy là chồng. Lòng cô thấy ấm áp vô cùng.
Thọ thấy vợ tỉnh lại thì thở phào: "Đang lo không biết bao giờ em mới tỉnh đây".Trinh mỉm cười yếu ớt, tỏ vẻ với chồng rằng mình khá ổn. Nhưng Thọ cũng không sốt sắng hỏi han sức khỏe vợ như lẽ thường. Ôi, mà thực ra vài câu hỏi thăm cũng không nói lên điều gì. Song Thọ lại xem giờ rồi càu nhàu: "Sao mẹ em đi lâu thế? Bảo đi mua chút đồ thôi mà. Anh đang có việc gấp cần đi rồi đây".
Trinh nghĩ, hóa ra lúc này mẹ cô cũng ở đây, và bà vừa ra ngoài. Thọ quay ra nhìn vợ rồi nói: "Thôi, nhân lúc bà chưa về, anh có một chuyện nói cùng em luôn vậy". Trinh nhẹ ậm ừ một tiếng, không hiểu có việc gì mà cô vừa tỉnh dậy Thọ đã phải thông báo với cô ngay.
"Em bị tai nạn giao thông đấy, kẻ gây tai nạn bỏ trốn rồi, chỗ ấy lại vắng vẻ không có nhân chứng lẫn camera ghi lại, khả năng tìm được hắn là không cao. Do đó, em cũng chuẩn bị trước tâm lý rằng mình phải bỏ ra toàn bộ phí chữa trị. Tiền thì anh ứng ra giúp em rồi, nếu không em làm sao được phẫu thuật. Và anh có ghi lại chi tiết các khoản, ra viện thì liệu sắp xếp trả lại cho anh. Số tiền không nhỏ, anh chỉ có thể cho em vay thôi, không cho hẳn được đâu nhé", Thọ nói như vậy.
Sau đó Thọ bảo, khi phát hiện Trinh bị thương, người dân quanh đó đã gọi cho Thọ đầu tiên. Nên anh ta phải bỏ tiền ra cho cô phẫu thuật, chứ đáng lí trách nhiệm đó thuộc về bố mẹ Trinh, bởi cô là con gái họ, do họ sinh ra. Cũng như Thọ chỉ có nghĩa vụ với con anh ta đẻ ra, chứ Trinh hoàn toàn là một người trưởng thành độc lập, lại chẳng chút liên quan huyết thống, việc Thọ phải trách nhiệm với cô là không hợp lí. Vợ chồng là bình đẳng, ngang hàng, chứ không phải quan hệ phụ thuộc mà người này cần gánh vác rủi ro cho người kia. Do đó, anh ta cho cô vay tiền đã là tốt bụng lắm rồi, còn cô phải tự chịu trách nhiệm với các vấn đề của mình, không gánh được thì nhờ bố mẹ đẻ.
Thọ vừa nói xong thì mẹ đẻ Trinh cũng xách lỉnh kỉnh các thứ bà mua về đến phòng bệnh. Thọ liền cáo bận rồi đi ngay, để mẹ vợ trông con gái của bà. Thấy Trinh đã tỉnh, bà mừng rỡ hỏi han tình trạng của cô, cô cảm thấy thế nào rồi. Trinh mỉm cười nắm tay bà, cổ họng nghèn nghẹn không thốt nổi thành lời. Bà tưởng cô còn mệt, nên bắt cô nghỉ ngơi. Trinh vội vàng nhắm mắt để bà không kịp nhìn thấy mắt cô đã muốn đỏ hoe.
Bình thường kinh tế của cô và Thọ riêng rẽ, hàng tháng Thọ góp một khoản cho vợ chi tiêu, nuôi con. Các ngày lễ tết, Thọ vẫn có quà cho Trinh, dù không đắt tiền. Đi công tác hay gặp thứ gì đẹp, Thọ thường mua cho con. Trinh thấy thế là ổn, đâu nhất thiết chồng phải đưa toàn bộ tiền cho vợ giữ mới là tốt.
Song đúng là trong lúc hoạn nạn mới biết lòng nhau. Cô với Thọ, dẫu gì cũng có tình nghĩa vợ chồng 5 năm với nhau. Nhưng anh ta có thể lạnh nhạt, dửng dưng với nỗi đau thể xác của vợ như thế. Còn nhằm lúc cô vừa tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật để vội thông báo về khoản tiền anh ta bất đắc dĩ phải cho cô vay, như thể không thể chờ đợi được nữa. Có lẽ đến người dưng còn chẳng lạnh lùng tới mức ấy, ít nhất họ cũng sẽ đợi đến khi cô khỏe mạnh xuất viện về nhà. Thế mà anh ta, người đầu gối tay ấp, người cô gọi là chồng ấy...