"Ăn bám chồng", câu nói này của đàn ông giống như lưỡi dao sắc lẹm cứa vào tinh thần của mỗi người vợ. Vậy nhưng không ít anh chồng vẫn vô tâm cố tình làm tổn thương vợ mình một cách nhẫn tâm như thế, ngay cả đó là ngày lễ mà lẽ ra các anh phải tặng quà và bù đắp yêu thương nhiều hơn cho nửa kia.
Giống tâm sự của người phụ nữ có tên V. trong câu chuyện dưới đây.
Bài chia sẻ của người vợ
"Tôi thuộc mẫu phụ nữ hướng nội. Có gia đình riêng rồi, hầu như tôi sống khép kín, ít giao du bạn bè. Chồng tôi kiếm ra tiền, sau khi có bé đầu lòng, anh bảo vợ ở nhà chăm con, quán xuyến việc gia đình. Anh nói không cần vợ kiếm tiền. Mình anh lo tài chính là đủ.
Tôi đã cân nhắc rất kỹ đề nghị của chồng. Sau cùng cũng chọn cách làm theo ý anh. Thoáng chốc tôi trở thành người đàn bà nội trợ, ăn bám chồng theo cách mà anh ấy vẫn thường xuyên gọi vợ.
Từ một người tự chủ kinh tế, giờ mua gì cũng phải ngửa tay xin tiền anh rồi lại im lặng nghe anh chỉ trích: 'Cô ăn tiêu có chừng có mực. Đừng ở nhà nhàn quá lại ngồi vẽ ra cách tiêu tiền. Tôi không có sức mà đáp ứng'...".
Mâu thuẫn xích mích giữa vợ chồng V. ngày càng nhiều. Cô kể, nhất là khi đứa con thứ 2 ra đời, chi tiêu gia đình đội lên gấp vài lần, chồng cô không những không hiểu lại liên tục nghi cô tiêu pha hoang phí hoặc giấu quỹ đen mang về cho nhà đẻ.
Cô tâm sự rằng, bởi chồng cô suy nghĩ ích kỷ như thế nên cuộc sống hôn nhân với V. tù túng và ngột ngạt.
"Cầm đồng tiền chồng đưa với tôi là một áp lực vô hình. Đến đêm ngủ tôi cũng nằm mơ thấy chồng tra khảo các khoản chi trong tháng. Để hạn chế tối đa các khoản cần chi, có khi cả năm tôi không mua sắm cho bản thân. Hầu như tôi toàn dùng đồ thừa của chị gái chồng, em gái chồng cho.
Sáng 8/3, ngồi lướt mạng thấy có đôi giầy giá sale rồi còn 600k, tôi quyết định đặt mua làm quà tặng cho bản thân. Tính ra đã 10 năm tôi không được chồng mua tặng gì, thậm chí sinh nhật vợ anh cũng quên nên ngày phụ nữ năm nay tôi muốn tự an ủi, động viên mình.
Vậy nhưng hàng vừa được người ta mang tới nhà, chồng tôi thấy vợ thanh toán tiền liền đỏ mặt quát: 'Cô mua giày làm gì'. Tôi cố nhẹ nhàng giải thích: 'Nay ngày 8/3 họ sale hàng nên em mua cho mình 1 đôi…'.
Không để vợ nói hết câu, chồng tôi tiếp tục quát: 'Ở nhà ăn bám chồng còn bày đặt ngày 8/3. Giày chị tôi cho cô cả đống đã đi hết chưa?'. Miệng nói, tay anh giật đôi giày trên tay vợ bỏ sọt rác rồi dọa nạt: 'Cấm cô nhặt lên. Nay là tôi cảnh cáo,… ăn bám chồng thì phải biết điều'.
Nhìn đôi giày, bao nhiêu nhẫn nhịn trong tôi cảm giác không còn chất chứa thêm được. Vẫn cúi xuống nhặt giày lên, tôi nói với chồng: 'Nó là quà tôi tự mua tặng mình… Cũng sẽ là đôi giày tôi mua kỷ niệm ngày tôi quyết định ly hôn anh.
Những đồ thừa chị em anh cho tôi dùng không hết thật, nhưng nó không hợp thì tôi bỏ. Chồng cũng thế, hợp với tôi, đối xử tốt, tôn trọng tôi thì tôi gắn bó, trân trọng lại, còn không tôi cũng không cần.
Từ ngày hôm nay, tôi sẽ đi trên đôi giày tự tay tôi mua để sống cuộc đời tôi muốn. Tôi không muốn phải ép bản thân nhịn nhục sống bên người chồng vô tâm, cũng như không muốn ép mình mặc đồ thừa, đi giày thải của người khác nữa'.
Nét mặt chồng tôi khi ấy mới trùng xuống, có chút thất thần. Anh lắp bắp định nói gì đó, tôi cũng không buồn nghe, lập tức về phòng dọn hành lý về nhà ngoại.
Hiện chồng tôi vẫn chưa đồng ý ký giấy. Anh nói muốn vợ chồng bình tĩnh cùng nhau ngồi nói chuyện lại nhưng tôi không chấp nhận. Thật sự tôi mệt mỏi quá rồi".
Phụ nữ vốn là như thế, nội tâm càng lớn, nín nhịn càng nhiều thì khi bùng phát vùng dậy, sức phản kháng của họ càng cao.
Yêu thương, nhịn nhục không được chồng đáp lại, chị em sẽ tự tìm hướng đi riêng cho mình. Lúc ấy, các anh chồng có níu kéo cỡ nào cũng đã muộn.