Hai vợ chồng tôi đều làm trong lĩnh vực kinh doanh. Tôi làm giám đốc một công ty bất động sản. Vợ tôi làm quản lý trong một khách sạn. Cả hai đều rất bận rộn, bù lại có thu nhập tốt. Hai vợ chồng cũng luôn cố gắng thu xếp công việc để có thời gian dành cho gia đình, con cái. Chúng tôi xác định lao động để hưởng thụ và hưởng thụ để phục hồi sinh lực, lại lao động tiếp.
Tôi không hiểu sao vợ mình lại có thể nghĩ mình hèn hạ như vậy. (Ảnh minh họa)
Với hai đứa con một trai một gái, thông minh, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học trường Tây, vợ chồng thành đạt, kinh tế khá giả, gia đình êm ấm hạnh phúc. Từ bao năm nay anh em họ hàng coi chúng tôi như một mẫu hình gia đình lý tưởng. Mọi việc nếu cứ như thế thì chẳng có gì phải bàn. Nhưng trong vài năm gần đây công việc làm ăn của tôi không được suôn sẻ. Tuy chúng tôi vẫn giữ được công ty chưa phá sản nhưng tình hình kinh doanh xuống dốc không phanh sa thải hàng loạt nhân viên.
Trong khi đó bên vợ tôi lại kinh doanh tốt. Khách sạn mở thêm nhiều lĩnh vực hoạt động mới, vợ tôi được đề bạt làm giám đốc phụ trách ngành spa chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho khách. Vợ tôi đã bận rộn càng bận rộn hơn không còn thời gian dành cho gia đình con cái.
Công việc của vợ tôi tiến triển bao nhiêu thì công việc của tôi tệ hại bấy nhiêu. Hàng hóa đóng băng, tôi phải chuyển trụ sở văn phòng để giảm bớt chi phí, loay hoay tìm nguồn công việc để duy trì công ty. Lúc này vợ tôi đang phấn đấu cật lực để hướng tới cái ghế phó tổng giám đốc sắp bỏ trống. Cô ấy lao vào công việc như một con thiêu thân, sáng sớm tinh mơ đã đi, nửa đêm mới về.
Tôi tự dưng thành người chăm con, đưa con đi học, lo việc nhà, ngay cả việc dặn dò bác giúp việc chợ búa thế nào, dọn dẹp ra sao cũng là tôi nốt. Vợ về đến nhà chỉ kịp tẩy trang, tắm rửa, uống một cốc sữa là leo lên giường chìm ngay vào giấc ngủ. Tôi thương vợ, lại cám cảnh gia đình cứ như cái nhà trọ, tìm cách lựa lời nói chuyện với vợ. Vừa mở miệng thì vợ tôi đã chặn lại: “Anh đừng có nghĩ đến việc cản đường tiến thân của em đấy nhé. Anh thất bại thì cũng muốn vợ phải thất bại cho đỡ xấu hổ à? Đàn ông các anh lúc thành đạt thì hoành tráng lắm, nhưng lúc thất bại thì không chịu đối mặt với nó".
Tôi mở to mắt trân trân nhìn vợ, cứng họng. Hóa ra trong mắt vợ, tôi đã là một thằng đàn ông thất bại, vứt đi, giờ tôi phải đứng sau để làm cái bóng cho vợ tôi tiến lên. Thực ra làm cái bóng hay hỗ trợ cho vợ cũng chả có gì xấu hổ, con người ta có lúc thăng lúc trầm, lúc được lúc mất là chuyện bình thường. Nhưng tôi vô cùng bất ngờ về cách nghĩ của vợ. Tôi không hiểu sao vợ mình lại có thể nghĩ mình hèn hạ như vậy.
Tôi còn tìm cách nói chuyện một lần nữa, tôi muốn vợ tôi hiểu suy nghĩ của tôi, mong muốn của tôi. Vì người ta cắm đầu cắm cổ làm lụng rốt cuộc để làm gì nếu không phải vì gia đình, con cái? Con cái chúng cần có sự chăm sóc của bố mẹ từ mọi phương diện, đâu chỉ tiền là đủ. Nhất là cô con gái lớn của chúng tôi, nay đã học lớp 11. Cháu ra dáng thiếu nữ lắm rồi và hình như bắt đầu có bạn này bạn kia. Tôi thì không thể trực tiếp tâm sự với con vì nó giấu kín mít. Tôi muốn vợ tôi làm đúng vai trò của cô ấy, biết dành thời gian cho gia đình hơn. Nhưng lần này cũng chả hơn lần trước, vợ tôi lại nổi khùng lên.
Nhiều nguy cơ đang rình rập, những đứa con đang co lại trong cái kén mà chúng tự tạo ra, khoảng cách giữa các thành viên đang ngày càng rộng, thế thì còn gì là gia đình nữa. Tôi rất mong lời khuyên của chuyên gia.
Chuyên gia tư vấn:
Đọc những dòng tâm sự của bạn, tôi thấy thông cảm và xin chia sẻ những gì mà bạn đã gặp phải trong thời gian qua. Tôi cũng từng tư vấn và chứng kiến nhiều cặp vợ chồng gặp trục trặc, thậm chí ly dị vì những vấn đề nảy sinh khi người vợ tiến nhanh hơn hoặc có thu nhập cao hơn hẳn đức lang quân. Những mâu thuẫn này cũng bắt rễ từ suy nghĩ cố hữu của người Á Đông.
Tôi nói thẳng là rắc rối ở đây không phải ở vợ anh mà ở anh, nhưng anh cũng giống như đa số đàn ông Việt luôn mặc định mình là “cấp trên” của vợ. Tại sao chồng cứ phải là rụ cột gia đình, và mặc định phải lo toan kinh tế. Những gia đình có chồng thành đạt, kiếm nhiều tiền hơn vợ thì dễ hạnh phúc hơn?
Điều này vô tình tạo một sức ép tới các đấng mày râu, khiến các bạn luôn muốn mình phải hơn vợ. Khi không được như vậy thì tự ái, tổn thương vì bị những người xung quanh xì xào, cho rằng “ăn bám”, “núp váy” vợ.
Họ quên rằng ngày nay nam nữ bình đẳng, họ được học hành đào tạo như nhau thì người này tiến nhanh hơn người khác là chuyện bình thường. Nếu tôi có người vợ như anh tôi khuyến khích cô ấy phấn đấu để tiến bộ hơn. Còn việc thất bại trong kinh doanh của mình đâu phải tại vợ mà do mình không gặp may trên thương trường. Đây là tình trạng chung của kinh doanh bất động sản hiện nay chứ đâu phải mình anh.
Chuyện gia đình thành “quán trọ” cũng không phải do vợ quá say mê thăng tiến mà do cả hai. Việc con gái đến tuổi biết yêu nó có “bạn nọ bạn kia” cũng không sao cả. Nếu vợ quá bận thì bố vẫn có thể hướng cho con gái biết cư xử với bạn trai thế nào cho đúng miễn là nó vẫn học tốt được thầy yêu bạn mến là được. Vậy những nhà chỉ có toàn con gái thì khoán trắng hết cho vợ dạy con à? Anh không nên trách vợ về việc ấy. Điều đáng trách cô ấy là thiếu cảm thông với chồng trong lúc chồng gặp khó khăn trong công việc. Nhưng nếu anh cứ vững vàng vượt khó và động viên vợ phấn đấu cô ấy sẽ cảm động và đối xử tốt với anh.
Từ xưa đến nay chúng ta đã quá quen với việc vợ hy sinh đảm đang mọi việc gia đình cho chồng phấn đấu lo sự nghiệp. Giờ anh hãy là người chồng hy sinh tạo điều kiện cho vợ phấn đấu. Anh sẽ là người chồng của thời đại mới được mọi người ngưỡng mộ noi theo. Những ai cho là anh kém cỏi, hèn hạ, núp váy vợ là những người lạc hậu mang nặng đầu óc phong kiến lỗi thời thì chấp làm gì.
Chúc anh thành công có người vợ giỏi, con ngoan gia đình hạnh phúc.
Không nên lên án niềm đam mê và khát vọng của vợ vì sự ích kỷ của mình. Nếu cứ nghĩ chuyện vợ giỏi hơn mà tự ti, mà ích kỉ rồi tự cho mình thua kém, hèn hạ vì không bằng vợ, đó mới là một người chồng không xứng đáng. Việc nghĩ thua hay kém vợ chính là do tư tưởng của đàn ông cái gì cũng phải hơn vợ là lạc hậu rồi. Huống chi anh từng là người rất thành đạt. Đừng bao giờ vì sự hẹp hòi của bản thân mà phá vỡ đi hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc chỉ có được khi cả hai cùng đồng tâm hiệp lực mà thành.
Tôi tin là anh sẽ thành công và có niềm hạnh phúc mà nhiều người mơ ước.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại