Sinh con ra ai cũng mong muốn con ngoan ngoãn, giỏi giang, không thua bạn kém bè nhưng không ít bậc cha mẹ còn băn khoăn dạy con như thế nào mới đúng?
Mỗi người đều có lý lẽ riêng để cho rằng cách nuôi dạy con cái của mình là “chuẩn” và phù hợp nhất với con yêu. Ngay trong một gia đình có thể vợ cho rằng “yêu con” thì phải “cho roi cho vọt” để trẻ biết sợ thì mới ngoan, chồng phản đối lại nghĩ đánh con chỉ tạo ra những tổn thương tâm lý không cần thiết, có khi còn phản tác dụng.
Có khi chỉ vì không tìm được tiếng nói chung trong quan điểm dạy con mà vợ chồng lại sinh ra “khẩu chiến” như chia sẻ của một tài khoản trong hội nhóm dành cho chị em: “Dạy con học mà em stress quá các chị ơi... Con em học lớp 1 hơi non tuổi. Cũng không hẳn kém lắm nhưng bài tập về nhà quá nhiều, con lại học hơi chậm và nhiều lúc không nhớ bài... em tự cảm thấy em rất nóng tính, rất thương con nhưng không kiềm chế được. Em không đánh con nhưng nhiều lúc em không giữ được bình tĩnh nên mắng con nhiều.
Đêm ngủ em cũng mơ mình mắng con, có lúc vừa mắng vừa khóc vì dạy con không hiểu, học trước quên sau.
Em phải làm sao hả các anh chị? Cho em 1 lời khuyên chứ em thấy mệt mỏi. Vợ chồng em đã có lúc suýt đánh nhau vì dạy con học. Em thấy mình thật vô dụng và không thể kiểm soát được lời nói của mình....
Con em bình thường cũng vui vẻ ngoan ngoãn, em cũng thế nhưng cứ vào giờ học là em lại cáu bẳn dạy con 10 hôm thì 7-8 hôm là trong nước mắt, em chán lắm rồi ạ.
|
Đừng biến việc dạy con thành áp lực cho cả gia đình (ảnh minh họa). |
Ngay khi được đăng tải, câu chuyện đã thu hút bình luận của rất nhiều chị em cùng hoàn cảnh. Tài khoản Huyền Trinh đồng cảm: “Mình cũng bị thế, mặc dù xác định tư tưởng nhưng nhiều lúc nó chậm quá sốt ruột lại quát ầm lên. Sau lại áy náy với con”.
Trước vấn đề này, phần đông các mẹ đều cho rằng nên mềm dẻo, linh hoạt và dạy con theo kiểu “mẹ cá heo”. Chị T.T cho rằng: “Mình rất hiểu tâm trạng của bạn vì các bé mới đi học chưa có căn bản ban đầu nên dạy rất chậm, bạn cứ bình tĩnh từ từ không nên nóng vội”.
Thành viên Kim Anh Trịnh đưa ra lời khuyên: “Nhà bạn có điều kiện thì nên thuê gia sư hoặc nhờ cô dạy kèm vì mình cũng không có khả năng sư phạm và để giảm bớt áp lực cho con và cho mình nữa”.
Chị Nguyễn Cẩm Vân bày tỏ quan điểm: “Cha mẹ không có kinh nghiệm sư phạm nên để cho con học ở đâu để con được thoải mái trong tâm lý mới tiếp thu bài vở tốt được, học mà áp lực mệt cả bố mẹ mà con thì lại thành ra con sợ học”.
Tài khoản Duyen Hoang bộc bạch: “Mình thì kệ con tự học, chỉ nhắc nhở thôi và động viên cổ vũ tinh thần. Còn tầm gần hết kỳ 1 rồi giờ mẹ nó cứ in vài mẩu giấy nội dung như quyển luyện đọc ấy xong đố con đánh vẫn cho vui thôi”.
Mẹ HT Piano chia sẻ câu chuyện dạy con “cười ra nước mắt” của mình :“Những ngày đầu năm học, thấy các bạn lớp con đứa nào cũng nhanh nhẹn , học tốt hơn con mình thế là con mẹ như bị cuống . Tối đến là nhồi con học, thấy con tiếp thu chậm thì phát điên, gào thét, gõ vào đầu con.
Mấy hôm gõ như vậy bạn ý chỉ phản ứng theo kiểu nước mắt nước mũi thôi, đến một hôm mình dạy, con cũng vẫn tiếp thu chậm chạp như thế, mình mới đưa tay lên định gõ cho vào đầu như mọi khi thì bạn ý phản ứng tự vệ rất nhanh: bạn ấy đứng dậy tuyên bố “mẹ để con đi lấy mũ bảo hiểm con đội vào đầu đã rồi mẹ hãy gõ không thì con bị đau lắm mẹ biết không” !
Trời ơi, nghe xong mình buồn cười quá mà chả dám cười trước mặt bạn ý, phải chạy vào nhà vệ sinh để cười...
Từ hôm ý đến nay bạn ý không bị mẹ gõ đầu mỗi khi kèm học nữa. Việc mình không còn kèm sát quá nữa thấy bạn ý cũng tự tin hơn và học tiến bộ hơn”.
Rõ ràng,thể hiện tình yêu thương sẽ nâng đỡ về tinh thần, giúp con phát triển cảm xúc, cho con cảm giác tự tin, an toàn từ đó phát triển ý thức chủ động học hỏi. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cha mẹ lúc nào cũng phải âu yếm, nựng nịu, dỗ dành và chẳng bao giờ mắng mỏ, uốn nắn hay có biện pháp nghiêm khắc khi con không hợp tác.
Những chị em dạy con theo kiểu “thiết quân luật” như trên cũng có lý lẽ của riêng mình. Họ cho rằng muốn con tự lập, tiến bộ ngay từ những năm học đầu đời thì việc thỏa hiệp với con trong bất cứ hoàn cảnh nào là điều không nên và trong gia đình thì cha hoặc mẹ phải có một bên đóng “vai ác”. Tài khoản N.V.A kể : “Mẹ nào mà chả yêu con nhưng con sinh ra có đứa này đứa kia, như con em hiếu động lại không bao giờ tập trung vào bất cứ việc gì. Đến giờ học là như đánh trận nên giờ em phải lập “giờ giới nghiêm”, đến giờ là ngồi vào bàn luyện chữ đánh vần, xong xuôi thì cho xem ti vi tầm 30 phút rồi ngủ. Trộm vía con cũng dần hợp tác được các mẹ ạ”.
Chị Đ.B cho hay: “Em nói thật các mẹ đừng nghĩ em ác không biết thương con nít nhưng đừng nghĩ rằng con còn nhỏ không biết gì mà không uốn nắn, cho vào khuôn phép. Ví như việc dạy con ăn nói thế nào cho lễ phép với người lớn cũng phải nghiêm khắc. Em thấy các bà mẹ thường ngại mắng con trước chỗ đông người hay trước mặt người khác, em lại thấy khi bị người khác nhắc nhở bé mới biết xấu hổ và chỉnh đốn lại, nếu không bé sẽ cãi leo lẻo, không biết trên biết dưới”.
Mỗi trẻ có khả năng tiếp thu không giống nhau vì vậy phương pháp dạy con của mỗi gia đình mỗi khác. Cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu con để tạo môi trường thuận lợi cho trẻ học cách yêu thương, quan tâm tới những người xung quanh.
Nếu nhận thấy bản thân không có khả năng sư phạm các mẹ có thể thuê người kèm cặp nhưng nên nhớ, nếu trẻ có sự tiến bộ cần kịp thời khen ngợi, ghi nhận sự cố gắng của con, ngược lại nếu trẻ tỏ ra không hợp tác, có thái độ vòi vĩnh bạn cũng đừng ngại trở thành cha mẹ “độc ác” để con trưởng thành, có trách nhiệm hơn.
Cha mẹ nghiêm khắc không có nghĩa là đánh đập hay cấm cản mà cần khuyến khích con tự lập, không nuông chiều, phạt con bằng cách vừa nhẹ nhàng vừa thông minh như úp mặt vào tường, phạt đứng im, phạt làm việc nhà, phạt đọc sách…
Dạy con không có đúng- sai mà chỉ có phù hợp hay không, các bậc cha mẹ thông thái hãy biết “thấu cảm” và chọn phương pháp dạy thích hợp để mỗi ngày được chứng kiến con yêu càng thêm khôn lớn, trưởng thành.