Nhằm ngăn chặn dịch Ebola vào Việt Nam, ngày 10/8, ông Trần Đắc Phu, Cục Trường Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bắt đầu từ ngày 11/8, Bộ Y tế sẽ vận hành Trung tâm Đáp ứng
dịch bệnh khẩn cấp để chặn dịch Ebola. Đây sẽ là cơ quan đầu mối phối hợp quốc tế ( liên hệ với WHO và Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ) đồng thời sẽ là đầu mối kết nối, hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh Ebola có nguy cơ lây lan vào Việt Nam.
Theo ông Phu, Trung tâm sẽ là nơi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về dịch bệnh giữa nước ta và quốc tế. Hệ thống thiết bị tại trung tâm cho phép tiếp nhận và nắm bắt về diễn biến dịch bệnh 24/24 tại các điểm nóng về dịch bệnh bên ngoài quốc gia. Việc này cho phép Việt Nam dự báo tốt hơn diễn biến dịch nguy hiểm để có các giải pháp ứng phó.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân, đồng thời chỉ định các bệnh viện làm nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh xâm nhập và có phương án mở rộng khu cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.
Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân, đồng thời chỉ định các bệnh viện làm nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh xâm nhập và có phương án mở rộng khu cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.
|
Máy đo thân nhiệt tại sân bay quốc tế Nội Bài. |
Trong cùng động thái ngăn chặn dịch, ngày 10/8, Cục Y tế dự phòng phối với với Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác kiểm soát và phát hiện sớm dịch bệnh tại sân bay Quốc tế Nội Bài.
Hiện, ngành Y tế thủ đô đang giám sát chặt chẽ hành khách tại cửa khẩu, kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm
vi rút Ebola thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa để cách ly kịp thời, áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu quốc tế phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch bệnh.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã bố trí 2 máy đo thân nhiệt hoạt động 24/24 tại của khẩu sân bay Nội Bài, đồng thời áp dụng khai báo y tế với các hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch. Bố trí 2 phòng cách ly và trang thiết bị nhằm khám phân loại và bố trí các xe cứu thương thường trực để vận chuyển khi có hành khách nghi ngờ bị nhiễm Ebola.
Trước đó, ngày 9/8, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh do virus Ebola.Trong phác đồ điều trị, Bộ Y tế lưu ý trường hợp phụ nữ mang thai nếu nhiễm virus Ebola có nguy cơ sẩy thai/đẻ non, chảy máu sau sinh rất cao.
Hiện theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới, đã có hơn 1.700 người mắc vi rút Ebola trong đó gần 1000 người tử vong tại 4 quốc gia vùng Tây Phi. Ngoài 4 quốc gia Tây phi thì Mỹ và Tây Ban Nha cũng là nước đã ghi nhận có trường hợp nhiễm virus này. Riêng tại châu Á, ngoài 2 quốc gia đang theo dõi các trường hợp nghi nhiễm bệnh là Philippine và Thái Lan, thì sáng nay (11/8) các phương tiện truyền thông cũng cho biết, tại Hồng Kông đã có một trường hợp đến từ Tây Phi nghi nhiễm loại virus này.Tại Việt Nam, tuy chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra nhưng không thể chủ quan lơ la trong công tác phòng và kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, mới đây Bộ Y tế đã nâng cấp độ cảnh báo đối với loại dịch bệnh này.