Tiền đạo Hà Đức Chinh chỉ có thể làm khán giả trong ngày CLB Đà Nẵng tiếp đội khách Sài Gòn FC ở vòng 2 V.League 2020 diễn ra trên sân Hoà Xuân tối 15/3. Sự thiếu vắng của tiền đạo tuyển Việt Nam khiến giới truyền thông và người hâm mộ đều quan tâm. Tại cuộc họp báo sau trận đấu, HLV trưởng CLB Đà Nẵng Lê Huỳnh Đức đã thông tin rõ ràng hơn về tình hình sức khoẻ của cầu thủ người Phú Thọ.
"Đức Chinh bị viêm gan B. Theo khuyến cáo của bác sĩ, anh ta không thể chơi bóng được. Nếu đá thì rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Men gan của Đức Chinh rất cao, cao tới mức mà tôi cũng không nghĩ có thể thế được. Bác sĩ nói Đức Chinh không được chơi bóng lúc này, và có thể phải mất rất lâu nữa cậu ấy mới có thể trở lại. Bệnh của Đức Chinh là bẩm sinh. Bác sĩ không cho phép thì tôi không đưa vào", HLV Lê Huỳnh Đức cho biết.
|
Đức Chinh đang bị viêm gan siêu vi B khá nghiêm trọng. |
Viêm gan B là căn bệnh nguy hiểm, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người bệnh. Bất kì ai cũng có thể bị nhiễm virus viêm gan B. Khi mắc bệnh, thông thường người bệnh sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, vàng da, chướng bụng.
Khi bị viêm gan B kéo dài khoảng 6 tháng trở lên là chuyển sang giai đoạn mãn tính. Đây là giai đoạn nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng như xơ gan, ung thư gan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sức khỏe sẽ nhanh chóng chuyển biến xấu đi và đe dọa tính mạng con người.
Hiện nay, virus viêm gan B vẫn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mạn tính. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số.
Virus viêm gan B có thể tồn tại trong máu và các chất dịch khác của người bệnh gây ra tình trạng viêm gan B cấp và mạn tính. Khi đó, người bệnh buộc phải chấp nhận sống chung với virus viêm gan B suốt đời.
Những triệu chứng và diễn tiến của bệnh viêm gan B
Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết. Tuy nhiên, kể cả khi không có triệu chứng bệnh gì thì virus viêm gan B vẫn có thể gây tổn hại nặng nề đến gan sau một thời gian phát triển âm ỉ. Viêm gan siêu vi B có hai dạng:
Viêm gan siêu vi B cấp: Được định nghĩa khi các biểu hiện triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và sự tồn tại của virus diễn ra và kết thúc trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus. Một số trường hợp bệnh có thể dẫn đến viêm gan B mạn tính.
Viêm gan siêu vi B mạn: Các biểu hiện triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và sự tồn tại của virus diễn ra và kéo dài trong 6 tháng hoặc lâu hơn thì được coi là mắc bệnh viêm gan B mạn tính. Lúc này, virus không bị đào thải mà tiếp tục sống trong cơ thể bệnh nhân.
Triệu chứng của bệnh
Giai đoạn cấp tính: Bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau vùng gan, nổi mề đay, phát ban, viêm khớp. Sau đó có thể diễn tiến đến vàng da, vàng mắt, gan to gây đau... nếu bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến suy gan cấp với biểu hiện: rối loạn đông máu (xuất huyết da niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê). Thông thường các triệu chứng sẽ giảm dần trong 1-2 tháng. Một số bệnh nhân có thể bị vàng da kéo dài nhưng không quá 6 tháng.
|
Virus viêm gan B có khả năng lây truyền cao. |
Giai đoạn mạn tính: Thường không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, bệnh nhân có thể có các biểu hiện: mệt mỏi, ăn uống kém, vàng da nhẹ... hoặc không biểu hiện triệu chứng. Nhưng sau nhiều năm bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng của xơ gan: phù chân, báng bụng, xuất huyết da niêm mạc bất thường... hoặc diễn tiến thành ung thư gan.
Ngay sau khi bị phơi nhiễm virus viêm gan B, bệnh nhân nên gặp bác sĩ để được tiêm huyết thanh miễn dịch bệnh viêm gan B. Tiêm huyết thanh trong vòng 12 tiếng sau khi phơi nhiễm có thể giúp bạn tránh khỏi sự xâm nhập của virus viêm gan B. Nếu không được tiêm huyết thanh kịp thời, sẽ có thể bị nhiễm HBV.
Các phương pháp điều trị bệnh
Giai đoạn cấp tính: Giai đoạn này nếu triệu chứng nhẹ, không cần chữa trị, bệnh có thể tự khỏi. Và trong khoảng thời gian này, bạn nên tránh tiếp xúc thân mật với người khác và nên có chế độ ăn cung cấp đủ calo, chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể.
Ngoài ra, trong vòng 2 tuần từ khi bị nhiễm virus viêm gan B, cần phải tiêm huyết thanh kháng virus cho những người có quan hệ mật thiết với người bệnh.
Giai đoạn mạn tính: Mục đích điều trị giai đoạn này là làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan như xơ gan, ung thư gan và ngăn chặn khả năng lây lan cho người khác. Các phương pháp điều trị bao gồm:
Sử dụng thuốc kháng virus có thể giúp chống lại virut viêm gan B và làm chậm khả năng gây tổn thương cho gan của virus.
Interferon alfa-2b (Intron A): Loại thuốc này chủ yếu được sử dụng cho người trẻ tuổi không muốn trải qua quá trình điều trị lâu dài, hoặc phụ nữ muốn mang thai.
Ghép gan: Trường hợp gan đã bị hủy hoại quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp này để cắt bỏ phần gan bị hủy hoại và thay bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng.
Video "Người bệnh viêm gan B nên ăn gì và tránh ăn gì?". Nguồn: CSHP.
Viêm gan B rất nguy hiểm nếu chuyển sang giai đoạn mãn tính dễ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan. Nhưng không phải ai cũng biến chứng nặng như vậy, nên khi phát hiện ra bệnh, bạn cũng không nên quá lo lắng. Nhiều trường hợp bệnh nhân kết hợp sử dụng thuốc với các phương pháp điều trị khác vẫn có thể chung sống hòa bình, lâu dài với virus viêm gan B mà sức khỏe vẫn ổn định.
Nếu ở dạng người lành mang bệnh thì chúng ta có thể yên tâm sẽ sống hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Điều mà bạn cần làm là kiểm tra men gan và định lượng HBeAg khoảng 6 tháng 1 lần và hạn chế tối đã rượu bia.
Chỉ khi nào men gan có dấu hiệu tăng, HBeAg dương tính thì mới cần phải dùng thuốc điều trị viêm gan B. Vì khi đó virus đang nhân lên và hoạt động gây phá hủy tế bào gan. Tuy nhiên việc điều trị chỉ nhằm mục đích là đưa virus trở về trạng thái bất hoạt (không hoạt động và không nhân lên nữa).