Không đảm bảo chất lượng ban đầu
Thư trả lời của Công ty TNHH La Vie do bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phó Tổng Giám đốc ký. Theo đó, công ty cho rằng, trên cơ sở mẫu nước lấy về (chỉ chiết vào chai 500ml, do gia đình không đồng ý giao bình), công ty đã xác định mẫu nước khiếu nại có sự khác biệt nhỏ về chỉ số pH và "nước có mùi lại giống mùi ẩm mốc nhưng rất nhẹ". Chính vì nhận thấy rằng, việc trả lời như trong thư cho gia đình chưa tìm ra nguyên nhân và có thể làm cho gia đình chưa hài lòng, nên công ty rất mong muốn được nhận bình nước bị khiếu nại về phân tích, tìm hiểu rõ hơn. Từ đó, có cơ hội xét nghiệm toàn diện, chính xác hơn.
Tuy nhiên, La Vie không thể lấy ngay bình nước mà gia đình đang khiếu nại đi xét nghiệm vì với các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống, vì những đặc tính riêng của sản phẩm nên La Vie cũng như các nhà sản xuất khác không thể đảm bảo các thuộc tính cũng như chất lượng ban đầu của sản phẩm một khi sản phẩm đó đã được mở hoặc sử dụng qua một thời gian và không được bảo quản như khuyến cáo đã được in trên từng sản phẩm... Do vậy, nếu căn cứ vào kết quả xét nghiệm một bình nước trong điều kiện như đã nêu, rồi quy kết cho chất lượng sản phẩm của La Vie hay xác định lỗi của La Vie là không khách quan, không có cơ sở pháp lý...
|
Thư trả lời của Công ty TNHH La Vie. |
Muốn biết chất lượng 2 bình nước hỏng
Về trả lời của Công ty La Vie, anh Cường khẳng định, gia đình không quy kết cho chất lượng toàn bộ sản phẩm nước của La Vie. Từ khi vụ việc bắt đầu cho tới nay, gia đình anh chỉ yêu cầu La Vie tìm ra nguyên nhân của 2 bình nước hỏng này để trả lời gia đình. Gia đình cũng đã đồng ý giao 2 bình nước cho La Vie xét nghiệm cùng với cơ quan độc lập để tìm nguyên nhân cho khách quan nhưng La Vie không đồng ý.
"Thực tế, tôi thấy rất nhiều vụ việc được phản ánh như "trứng đập ra có hai sinh vật lạ" hay "mỳ tôm 3 miền có sinh vật lạ" hay các vụ sữa hỏng... các doanh nghiệp và cơ quan chức năng đều lấy mẫu sản phẩm bị hỏng và mẫu sản phẩm cùng lô, cùng thùng còn nguyên đi xét nghiệm ở các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước tìm nguyên nhân và giải quyết thắc mắc của khách hàng. Vậy tại sao La Vie luôn khẳng định chất lượng là tốt và sẵn sàng xét nghiệm mọi sản phẩm thì không thực hiện như trên để đảm bảo khách quan và khoa học?", anh Cường nói.
Anh Cường cho biết, 2 bình nước hỏng vẫn được gia đình nút kín và bảo quản cẩn thận chỉ mong La Vie sớm đến nhận mẫu đi xét nghiệm. Việc La Vie cho rằng, chỉ xét nghiệm mẫu chưa mở nắp, theo anh Cường, nếu nước không được mở ra và sử dụng thì gia đình không thể biết nước có mùi hăng nồng và vị tanh như vậy. Việc La Vie từ chối xét nghiệm độc lập mà chỉ để mình La Vie xét nghiệm 2 bình nước hỏng, khiến gia đình đặt câu hỏi: Phải chăng mẫu nước 0,5 lít gia đình giao cho La Vie đã được La Vie xét nghiệm và biết được thành phần trong đó nên ngại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành xét nghiệm?
Vì theo anh Cường phân tích, nước đã được bỏ ra ngoài sử dụng nếu có bị nhiễm vi sinh vật hoặc nấm mốc thì cũng rất dễ giải thích một cách khoa học cho khách hàng. Vì vậy, gia đình anh lo sợ, nước có chứa chất gì đó khó giải thích nên La Vie mới "né" xét nghiệm độc lập?
Cùng với thư của La Vie, chiều 9/9, ông Hồ Quốc Việt, Giám đốc chi nhánh Hà Nội cũng đến gặp anh Cường để nói rõ thêm. Theo đó, ông Việt cho hay, hiện sản phẩm đã mở ra được 2 tháng, nếu xét nghiệm thì sẽ có các thành phần không mong muốn... và như thế sẽ gây bất lợi cho sản phẩm của La Vie. Vì vậy, La Vie không đồng ý xét nghiệm tại một cơ quan độc lập.