Vị giáo sư già giải cứu nhiều bệnh nhân tưởng mắc ung thư

Google News

Để tìm được bệnh chuẩn xác, giáo sư Đề chia sẻ, có khi ông và đồng nghiệp phải đãi phân để lọc lấy ký sinh trùng vừa nghiên cứu, vừa truy tìm bệnh.

Giáo sư Nguyễn Văn Đề nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội. Dù đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng công việc liên quan đến ký sinh trùng vẫn bủa vây lấy ông. 

Giáo sư Đề cho biết, hầu như bệnh nhân đến với ông đều ngỡ ngàng vì tác hại vô cùng to lớn của ký sinh trùng. Từ trước đến nay, người ta cứ nghĩ ký sinh trùng chỉ là con giun trong ruột, là hiện tượng bình thường mà không biết hàng trăm bệnh gây ra từ ký sinh trùng.

Vị giáo sư già giải cứu nhiều bệnh nhân tưởng mắc ung thư
Giáo sư Đề.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Đ, đến từ thành phố Vinh Nghệ An. Ông Đ. được bác sĩ chẩn đoán u gan khi khối u trong gan đã to vật vã. Cả gia đình xác định ung thư gan là chết nên đưa ông Đ. về nhà nghỉ ngơi “chờ chết”. Có lúc, người nhà thấy mắt ông đỏ hoe vì cảm giác “cá nằm trên thớt”. 

Thế rồi, ông Đ. đọc một bài báo nói về bệnh ký sinh trùng ở gan gây ra khối u gan nhưng thực chất không phải khối u. Ông Đ. nghĩ đến bệnh của mình nên bảo con cái đưa ra Hà Nội tìm GS Đề. Khi đó, giáo sư đã nghỉ hưu, ông Đ. lại lặn lội tìm địa chỉ của gia đình bác sĩ Đề để chữa bệnh. 

Đúng như cảm giác của ông Đ., bác sĩ làm xét nghiệm ký sinh trùng và phát hiện có bạch cầu ái toan nên nghi ký sinh sán lá gan. Ông Đ. tiếp tục được đưa đi làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng và kết quả đúng là bị sán chứ không phải bệnh ung thư gan như ông nghĩ từ đầu. Sau khi được điều trị khỏi, với ông Đ., BS Đề như một ân nhân, người đã đưa ông về từ cõi chết.

Nghề đặc biệt

Nói đến cái duyên với nghề, giáo sư Đề chỉ cười. Năm 1983 tốt nghiệp khóa bác sĩ nội trú chuyên khoa Ký sinh trùng, Nguyễn Văn Đề được GS Đỗ Dương Thái là Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương nhận về công tác tại Viện. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt khi ông quyết định lựa chọn đi sâu nghiên cứu về giun sán ký sinh trên cơ thể người.

Giáo sư Đề kể, lúc đó nhiễm bệnh do ký sinh trùng vốn là căn bệnh khá phổ biến ở các nước nhiệt đới đang phát triển như nước ta. Đặc biệt, trong khám lâm sàng, bệnh do ký sinh trùng hay bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác dẫn đến nhiều hệ lụy cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. 

Trong khi đó, nếu chẩn đoán đúng nguyên nhân gây nên bệnh ký sinh trùng thì vấn đề trở nên đơn giản. 

Do vậy, qua thực tế ông dần cảm nhận được vai trò của chuyên ngành Ký sinh trùng với chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Niềm say mê cuốn hút ông vào những công trình nghiên cứu ký sinh trùng. 

Giáo sư Nguyễn Văn Đề kể lại những trường hợp bệnh nhân ông đã cứu chữa vì ký sinh trùng. Trong đó có nhiều trường hợp ông ám ảnh khi bị giun sán nặng hàng kg. 

Trong đời mình, ông đã buôn ba nhiều nơi ở các vùng sâu, vùng xa của đất nước để tìm hiểu và nghiên cứu. Có lẽ với giáo sư Đề việc phát hiện ra những bệnh nhân gần mất mạng do sán phổi, sán chó đưa họ về cuộc sống bình thường là điều ông hạnh phúc nhất.

/Uploaded/quocquan/2016_02_12/san-la-gan-1425436850570_ZRTE.jpg
Nhớ về kỷ niệm công tác ở Hà Giang, ông đã khám cho một bệnh nhân là giáo viên đã được bệnh viện tỉnh chẩn đoán là lao phổi và điều trị suốt 12 năm không đỡ. Do bị nhiễm sán lá phổi gây tổn thương phổi nên mỗi lần ho ra rất nhiều máu tươi.

Vì sợ bị lây truyền nên phụ huynh học sinh đề nghị cô phải đeo khẩu trang khi giảng bài, cô bị mọi người xa lánh, và sống cô đơn. Sau khi được chẩn đoán bị bệnh sán lá phổi, uống thuốc điều trị kịp thời, bệnh của cô đã khỏi hoàn toàn. 

Hay như bệnh nhân Thiện ở Lai Châu. Ông đã bị chẩn đoán lao phổi và điều trị lao phổi 21 năm nhưng khi gặp giáo sư Đề thì đó chỉ là bệnh sán lá phổi. Bác sĩ kê đơn thuốc uống bệnh nhân hết bệnh, nửa năm sau đã khỏe mạnh bình thường. Biết bao trường hợp bị sán não, sán lá gan tưởng chết được hồi sinh nhờ tay giáo sư Đề.

Khác với các ngành nghiên cứu khác, đam mê ký sinh trùng các bác sĩ thường gọi đùa với nhau là cái nghề “đãi phân”. Để tìm kiếm bệnh giun sán, Giáo sư Đề cho biết các ông thường phải cho bệnh nhân đi vệ sinh sau đó mang phân đi đãi lọc để chắt lại từng con sán, trứng giun để làm xét nghiệm. 

Đến nay, dù đã về hưu nhưng Giáo sư Đề vẫn khám và tư vấn miễn phí bệnh ký sinh trùng cho người dân và hàng ngày ông vẫn đón tiếp rất nhiều những bệnh nhân của giun đũa, sán sơ mít…

Theo Infonet

Bình luận(0)