Vệ sinh không đúng cách, trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu

Google News

Khi vào viện, bé T.H (6 tuổi, Gò Vấp) bị sốt cao nhưng run lạnh, tím tái, tiểu ra máu. Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bé mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, xét nghiệm cho thấy bé bị nhiễm trùng đường tiểu.

Theo lời chia sẻ của gia đình, mẹ bé dạy con cách sử dụng giấy mỗi lần đi đại tiện vì sợ con đi học không tự vệ sinh được. Tuy nhiên, bé quá nhỏ chưa biết vệ sinh đúng cách đã vô tình đưa vi khuẩn từ hậu môn ngược lên đường tiểu.

Ve sinh khong dung cach, tre bi nhiem trung duong tieu
 Nhiễm trùng đường tiểu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi thậm chí cả trẻ sơ sinh cũng có thể mắc phải. Ảnh minh họa

Bé gái đường niệu đạo ngắn và gần hậu môn hơn so với bé trai, do đó vi khuẩn dễ dàng đi vào niệu đạo hơn, gây viêm bàng quang.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, nhiễm trùng đường tiểu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi thậm chí cả trẻ sơ sinh cũng có thể mắc phải.

Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ thường dễ bị bỏ qua bởi các dấu hiệu không rõ ràng.

Nhiễm trùng tiểu để lâu dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm nhất là khi vi khuẩn thâm nhập vào đường tiết niệu có thể dẫn đến viêm bể thận hoặc viêm bàng quang.

Theo BS Ngọc, nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ. Thủ phạm gây viêm là khuẩn E.Coli, Klebsiella, Pseudomonas Aeruginosa…

Nước tiểu bình thường là vô trùng, không có vi khuẩn, nhưng khi vi khuẩn thâm nhập có thể âm thầm gây bệnh, đi lên niệu đạo vào bàng quang, sinh sôi và phát bệnh.

BS Ngọc hướng dẫn một số triệu chứng nhận biết viêm đường tiết niệu ở trẻ: Trẻ nóng sốt hoặc ngược lại là hạ thân nhiệt dưới 36 độ C, bú kém, nôn mửa, tiêu chảy hoặc đôi khi vàng da kéo dài….

Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi sẽ có biểu hiện sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, biếng ăn; ở nhóm lớn hơn, đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt nhắt, nước tiểu có màu đục, thậm chí có trẻ tiểu ra máu.

Để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu cho trẻ, sau mỗi lần trẻ, nhất là trẻ em gái, đi tiêu, đi tiểu, vệ sinh vùng kín ở trẻ phải lau từ trước ra sau để không đưa vi khuẩn từ đường tiêu hóa vào đường niệu. Nếu trẻ còn mặc tã, người lớn phải thường xuyên kiểm tra tã lót và nên thay tã ngay sau khi trẻ đi tiểu và đại tiện.

Bên cạnh đó không nên để trẻ nhịn tiểu và nhịn uống nước, nhất là tình trạng vào hè, nắng nóng. Nước vô cùng quan trọng, bởi nước tiểu làm nhiệm vụ thải cặn bã, độc tố của cơ thể ra ngoài.

>>> Mời độc giả xem thêm video Hàng loạt quốc gia khẩn trương điều tra bệnh "viêm gan" bí ẩn ở trẻ em:

(Nguồn: THĐT)

An Quý

>> xem thêm

Bình luận(0)