Cam thảo, một dược liệu tạo vị thơm ngọt đặc trưng mà nhiều người thích bỏ thêm một vài mẩu vào tách trà đã suýt lấy mạng một người đàn ông Canada, chỉ với liều lượng 1-2 tách mỗi ngày.
Bệnh nhân giấu tên, 84 tuổi, người Canada, phải đi cấp cứu với huyết áp tăng lên tới 180/120 mmHg, một con số cực cao, nguy hiểm đến tính mạng. Theo các tiêu chuẩn mới nhất, huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên đã gọi là cao huyết áp.
|
Cam thảo có thể giúp tách trà thêm hương vị nhưng có thể là "tử thần" với người cao huyết áp - ảnh minh họa từ internet |
Trước đó, ông còn bị hành hạ thường xuyên bởi nhiều vấn đề và tưởng rằng đó là do tuổi già: đau đầu, mắt quá nhạy cảm ánh sáng, đau ngực, mệt mỏi, sưng phù, ứ nước ở bắp chân… Kết quả kiểm tra còn phát hiện tình trạng quá tải thể tích, một vấn đề tuần hoàn.
Ông hiện tại bị cao huyết áp, tiền sử bệnh động mạch vành và tiểu đường type 2, tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân của tất cả các vấn đề kể trên. Sau khi hỏi kỹ bệnh nhân về thói quen ăn uống, các bác sĩ biết được ông có thói quen uống 1-2 ly trà cam thảo mỗi ngày, trong vòng 2 tuần liên tục trước khi nhập viện.
Và quá liều cam thảo chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt triệu chứng, bao gồm cú "bùng nổ" huyết áp chết người.
|
Quá liều cam thảo có thể gây ra những cú "bùng nổ" huyết áp chết người |
Rất may, do thể trạng bệnh nhân tốt trước đó nên sau 24 giờ nghỉ ngơi và điều trị bằng thuốc huyết áp, các triệu chứng đã dần biến mất. Ông được xuất viện 13 ngày sau đó với lời khuyến cáo ngừng ngay thói quen uống trà thảo dược.
Tiến sĩ Jean-Pierre Falet, Khoa Thần kinh tại Đại học McGill, một trong các tác giả của bài công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Canada (Canadian Medical Association Journal), cho biết cam thảo, nói chính xác hơn là rễ cây cam thảo, không nên tiêu thụ nhiều ở bệnh nhân bị huyết áp cao, kali máu thấp, rối loạn nào đó ở thận hoặc hệ tim mạch, đang dùng thuốc có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải.
Ca bệnh nêu trên là điển hình bị tác dụng phụ do dùng cam thảo dư thừa. Hiện tượng này có thể xảy ra với tất cả các dạng chế phẩm của cam thảo như trà cam thảo, bánh kẹo chứa cam thảo đen, hoặc thực phẩm, đồ uống có chất phụ gia từ cam thảo. Người bị cao huyết áp nên được bác sĩ của mình khuyến cáo cẩn trọng với cam thảo.
Tại Việt Nam, cam thảo thường được dùng như một vị thuốc Đông y, một số nơi cũng dùng như thảo dược giúp tạo thêm hương vị cho trà, bằng cách cho thêm một vài mẩu cam thảo vào ly trà nóng. Khi được sử dụng như dược liệu, vị thuốc này cũng được cảnh báo một số tác dụng phụ như làm tăng huyết áp ở người có bệnh cao huyết áp, gây giữ nước… Cam thảo cũng phổ biến ở nhiều quốc gia khác như Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc…