Đau bụng kinh là một triệu chứng thường gặp của chị em phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt. Biểu hiện của đau bụng kinh là những cơn đau dữ dội kéo dài, âm ỉ ở phần bụng dưới, có thể bị tụt huyết áp, buồn nôn và tiêu chảy.
Việc sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên trong ngày đèn đỏ có thể làm ngưng cơn đau tạm thời nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ.
|
Những cơn đau quằn quại ngày "đèn đỏ" gây cảm giác khó chịu cho chị em phụ nữ. (Ảnh minh họa). |
Nguyên nhân đau bụng kinh
- Do sự co thắt của cơ tử cung kéo dài khiến tử cung thiếu máu
- Lạc nội mạc
- Dính lòng tử cung
- U dưới niêm mạc tử cung
- Viêm cùng chậu
- Viêm vòi trứng
Những tác hại khi sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên mỗi kỳ "đèn đỏ"
Khi bị đau bụng kinh, nhiều chi em phụ nữ thường lựa chọn uống thuốc giảm đau như một thói quen để làm giảm cơn đau nhanh nhất và tiện lợi nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lâu dài sẽ gây ra rất nhiều tác dụng phụ như:
Phụ thuộc vào thuốc giảm đau mỗi kỳ kinh nguyệt
Chính vì chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời nên nhiều bác sỹ đã kê cho bệnh nhân những thuốc giảm đau hạng nặng như hydrocodone trong những trường hợp đau mãn tính hoặc đau kéo dài. Những loại thuốc giảm đau này sẽ có nguy cơ gây nghiện vì có chứa chất an thần, người nào sử dụng thường xuyên sẽ bị phụ thuộc vào thuốc.
Nó có thể tạm thời giảm triệu chứng đau bụng nhưng sẽ che lấp các biểu hiện của những căn bệnh phụ khoa nguy hiểm khiến bạn không thể thăm khám và chữa trị kịp thời.
Thuốc giảm đau làm tăng huyết áp
Theo một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nếu phụ nữ sử dụng những loại thuốc giảm đau không chứa Aspirine sẽ tăng khả năng bị cao huyết áp gấp hai lần. Riêng Aspirine thì chưa có bằng chứng gây cao huyết áp ở phụ nữ.
Nguy cơ tổn thương gan khi sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên
Những loại thuốc giảm đau chứa paracetamol có thể làm tổn thương gan một cách nghiêm trọng nếu dùng sai cách.
Sử dụng thuốc giảm đau làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn
Hiện nay, mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức chứng minh uống thuốc giảm đau bụng kinh là nguyên nhân trực tiếp gây vô sinh hiếm muộn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều thuốc giảm đau, sẽ gây ra rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết tố dễ dẫn đến viêm phụ khoa, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, từ đó làm tăng nguy cơ gây vô sinh hiếm muộn.
Bên cạnh đó, những loại thuốc giảm đau thường gây ra tác dụng phụ như viêm loét dạ dày, nhiễm độc gan, suy thận, sỏi thận... ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, tuyệt đối không tự ý mua thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí là tử vong do sốc thuốc.
Thay vì uống thuốc giảm đau ngày “đèn đỏ”, bạn có thể tham khảo một số cách giảm đau bằng các biện pháp như: Bạn nên nghỉ ngơi và tránh lao động nặng nhọc ngày đèn đỏ, giữ ấm bụng, dùng túi chườm nóng để chườm bụng, không ăn đồ lạnh vào những ngày gần kinh nguyệt và khi bị kinh nguyệt. Tránh quan hệ trong ngày "đèn đỏ" để giảm thiểu các tác hại sức khỏe và giảm nguy cơ viêm nhiễm, tránh bia rượu và các chất kích thích. Uống đủ 2,5l nước mỗi ngày, bổ sung vitamin, tập luyện các bài tập yoga và nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ đánh giá mức độ, nguyên nhân và làm căn cứ điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm gây vô sinh hiếm muộn, ung thư…
*) Title do Kiến Thức biên tập lại