Ung thư chỉ vì chủ quan với nấm mốc

Google News

Ước tính có khoảng gần 40% số loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố, hầu hết chúng đều nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Ung thu chi vi chu quan voi nam moc
 
Nấm mốc có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Không chỉ ở thực phẩm mà còn có trên đồ vật sử dụng hằng ngày của con người.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ước tính có khoảng gần 40% số loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố, hầu hết chúng đều nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các độc tố nấm đều độc, mức độ độc của chúng cũng khác nhau, vì vậy khi xâm nhập vào cơ thể chúng gây bệnh không giống nhau.
Với những loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng… Song những độc tố vi nấm tích lũy trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo nguy hiểm như ung thư gan do aflatoxin, suy thận do ochratoxin, ung thư buồng trứng do fumonisins…
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chỉ ra bất kể các thực phẩm nào cũng bị nấm mốc phát triển nếu không được bảo quản đúng cách. Trong đó phổ biến nhất là các loại bánh, mứt và lương thực.
Ung thu chi vi chu quan voi nam moc-Hinh-2
Bánh ngọt nếu không bảo quản đúng cách sẽ bị nấm mốc xâm nhập và phát triển. Ảnh: Internet. 
Đối với các loại bánh ngọt, mứt, dù sau khi thành phẩm đều được tiệt khuẩn nhưng quá trình bảo quản kém hoặc để quá lâu đều có thể sinh ra vi sinh vật có hại và nấm mốc. Trên bề mặt chúng lúc này sẽ xuất hiện rất nhiều loại nấm mốc khác nhau nhưng thường thấy nhất là nấm men ưa đường, gây nứt nẻ và làm bánh, mứt… mất đi mùi vị, màu sắc và chất lượng.
Bánh chưng, bánh tét cũng là loại thực phẩm dễ bị nấm mốc do bánh có độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng. Từ lớp lá ở ngoài, nấm mốc phát triển và xâm lấn vào bên trong, lan rộng ra và làm hỏng bánh. Dưới tác dụng của men amilaza của một số nấm mốc, tinh bột chuyển thành đường glucoza, thành rượu ethylic, làm bánh bị vữa tại nơi nấm phát triển, khi đó chúng có vị cay, hăng mùi rượu và bị chua.
Ngoài một số chủng nấm mốc có khả năng lên men glucoza, mantoza, tạo thành acid gluconic, acid fumatic… làm bánh bị chua thì một số loại nấm mốc lại tiết ra độc tố cho người ăn, trong đó phải kể đến những nấm mốc thuộc họ Aspergllus và họ Penicillium.
Các loại hạt có dầu như lạc, đậu nành, hạt điều, hạt hướng dương, thậm chí là gạo, ngô, sắn… và ở các loại thức ăn gia súc cũng dễ bị nhiễm nấm mốc, trong đó loại hạt bị mốc được quan tâm nhiều nhất. Điều này cũng được PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học - thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) đồng tình, ông cho rằng ở những thực phẩm càng giàu lipit (chất béo) thì càng là môi trường thuận lợi cho nấm mốc.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi các loại hạt bị ẩm mốc, một trong các độc tố vi nấm nguy hiểm được sản sinh ra là Alfatoxin. Chúng không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn tích lũy dần dần trong cơ thể và gây ra bệnh ung thư.
Theo tài liệu của Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm FDA Hoa Kỳ, độc tố Aflatoxin rất khó bị phân hủy bởi nhiệt độ cao hay hóa chất. Người ta đã chứng minh bằng cách đem lạc mốc rang lên, dù ở nhiệt độ rất cao, các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn, vì vậy ăn vào vẫn gây nguy hiểm cho con người. Cụ thể, rang lạc ở 150 độ C trong 30 phút thì Aflatoxin B1 giảm trung bình 80% và Aflatoxin B2 giảm 60%. Aflatoxin B1, B2 được sản sinh bởi chủng nấm Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus, trong đó Aflatoxin B1 được coi là dạng độc nhất.
Do đó, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi hình dạng, màu sắc, mùi vị của thực phẩm bị biến dạng (so với đặc trưng của thực phẩm), hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì nên loại bỏ chúng.
Ngoài ra, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua và sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã bị mốc như lạc, đậu nành, gạo, ngô, bánh ngọt, mứt... Không được đãi, rửa các lương thực, thực phẩm đã bị mốc để sử dụng trở lại vì độc tố sẽ còn lại bên trong.
Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì nhất thiết phải đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu… để gửi đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để điều tra, xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc.
Xử trí cấp cứu trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột với chất độc, phá hủy độc tính, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Theo Hạ Quyên/Pháp luật TPHCM

>> xem thêm

Bình luận(0)