Gần đây nhiều mặt hàng vải vóc, quần áo Trung Quốc bị phát hiện có chứa hàm lượng chất formaldehyde – một tác nhân gây ung thư. Vì sao trong vải dệt may lại có mặt hóa chất độc hại này, loại bỏ bằng cách nào là câu hỏi mà không ít độc giả băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, những giải đáp của các nhà khoa học trong bài viết sẽ giúp người dân giải tỏa thắc mắc và hướng dẫn loại bỏ chất độc này một cách an toàn.
Vì sao có formaldehyde trong vải?
Theo tài liệu của Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng, thuộc Bộ kinh doanh, đổi mới và việc làm New Zealand, formaldehyde là một chất tự nhiên trong bầu khí quyển. Nó được phát ra bởi động vật và con người như một sản phẩm phụ của sự tiêu hóa. Nó cũng được tạo ra trong quá trình đốt, có thể được tìm thấy trong khói từ đám cháy, khói bụi, khói thuốc lá và khói thải xe cộ.
Ở mức độ đậm đặc hơn, formaldehyde được sử dụng trong một số quy trình công nghiệp, bao gồm ngành công nghiệp dệt may. Formaldehyde thường được sử dụng để chống nhăn cho vải, chống bám bẩn và giúp bền màu. Nó cũng được sử dụng để giữ cho sản phẩm may mặc trông mới, đẹp trong suốt quá trình vận chuyển và để làm chậm lại sự phát triển nấm mốc trên vải vóc.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Kim Xuyến, nguyên cán bộ Phân viện Dệt may TPHMC cho biết, về mặt định tính thì hóa chất này được phép có mặt trong một số công đoạn xử lý vải và dư lượng trong vải thế nào phụ thuộc vào việc loại vải đó có qua xử lý với formaldehyde hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định, dù được có mặt trong vải dệt may, nhưng định lượng formaldehyde cho phép phải tùy thuộc vào từng nhóm vải.
Cụ thể, theo tiêu chuẩn Ecotech 100 về an toàn sinh thái dệt may, được áp dụng ở các nước châu Âu thì lượng hóa chất formldehyde tồn dư được chấp nhận cho nhóm vải dành cho trẻ em là 20ppm (mật độ với tỷ lệ phần triệu); nhóm vải mặc trực tiếp với da (ví dụ như đồ lót) là 75ppm; nhóm vải mặc ngoài là 300ppm.
|
Ảnh minh họa. |
Nguy cơ đối với cơ thể
Hệ thống thẩm định và công bố các hóa chất công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia Australia (NICNAS) đã tiến hành một đánh giá đầy đủ việc sử dụng và độc tính của formaldehyde cho thấy, ảnh hưởng sức khoẻ rất có thể phát sinh từ việc phát tán formaldehyde từ các sản phẩm may mặc. Formaldehyde bay hơi có thể gây kích thích thần kinh ở mắt và mũi, thậm chí gây cảm giác bỏng rát, châm chích hay ngứa, đau cổ họng, chảy nước mắt, nước mũi và hắt hơi.
Tiếp xúc qua da với formaldehyde có thể gây phát ban da và các phản ứng dị ứng da. Các mức độ tiếp xúc có thể gây ra các phản ứng dị ứng khác nhau giữa các cá nhân, phụ thuộc một phần vào lịch sử dị ứng trước đây của mỗi người. Thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp viêm da phát sinh từ mặc quần áo có chứa hàm lượng cao chất formaldehyde.
Formaldehyde có thể có ảnh hưởng sức khoẻ ở nhiều mức độ khác, thậm chí là gây ung thư; nhưng những khả năng này thường chỉ xảy ra ở các cấp độ tiếp xúc cao hơn nhiều so với việc chất này phát tán ra từ các sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc tiếp xúc lâu dài với hóa chất này có thể gây ra nhiều bệnh, có thể dẫn đến ung thư, thường biểu hiện ở mũi, miệng, vòm họng, thanh quản và các bộ phận của hệ hô hấp.
Khó nhận biết, nhưng loại bỏ đơn giản
Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, formaldehyde là một chất khí không màu, có mùi hăng rất mạnh, ở dạng dung dịch được gọi là formone. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ dàng nhận biết sự có mặt của formaldehyde trong vải vóc do lượng tồn dư không quá lớn, hơn nữa, mùi hắc đặc trưng của hóa chất này vẫn có thể bị lẫn với các loại hóa chất hồ vải, nhuộm màu vải hay giữa các loại chất liệu vải khác nhau. Việc nhận biết dư lượng hóa chất này chỉ có thể thực hiện nhờ các phương pháp kiểm tra bằng dung dịch.
Tuy nhiên, formaldehyde là một chất khí bay hơi nên dư lượng hóa chất này trong vải dệt may có thể sẽ mất dần đi do quá trình phân hủy trong không khí. Ngoài ra, formaldehyde còn có đặc tính hòa tan trong nước nên tốt nhất quần áo, vải vóc, chăn ga gối... mới mua về nên mang giặt sạch trước khi dùng cũng có thể loại bỏ đến 60% lượng hóa chất tồn dư. Sau nhiều lần giặt, chắc chắn sẽ hết. Đối với các loại vải chỉ giặt khô cũng nên đem phơi chỗ thoáng gió để hóa chất tồn dư bay hơi.
Nhiều người khi nghe thông tin quần áo Trung Quốc có chứa hóa chất formaldehyde độc hại thì lo ngại mà bỏ đi không dùng nữa. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Gia Điền thì quần áo cũ không đáng lo vì sau nhiều lần giặt, phơi, hóa chất tồn dư gần như đã hòa tan trong nước và bay hơi hết.