Trường Vương Thượng Bổ “láu cá” mượn uy tín bác sĩ quảng cáo như thuốc?

Google News

(Kiến Thức) - Các bác sỹ được mời tham gia chương trình tư vấn sức khỏe đều không biết hình ảnh, tên tuổi của mình được Công ty TNHH STS Việt Nam gắn với việc quảng cáo TPCN Trường Vương Thượng Bổ như thuốc chữa bệnh.

TPCN Trường Vương Thượng Bổ mượn hình ảnh bác sỹ để quảng cáo như thuốc?

Như Kiến thức đã đưa tin, mặc dù được cấp phép là thực phẩm chức năng (TPCN), nhưng hiện nay trên nhiều website chính thống cũng như không chính thống, sản phẩm Trường Vương Thượng Bổ được giới thiệu, quảng cáo thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh, "điều trị bệnh xuất tinh sớm, yếu sinh lý ở nam giới".

Đơn cử, ngay trên trang chủ website truongvuongthuongbo.com, trong video tiêu đề "Hiểu Đúng Bệnh Chữa Đúng Cách - Chữa Yếu Sinh Lý, Xuất Tinh Sớm, Rối Loạn Cương Dương" trên VTV2, khách mời là diễn viên hài Công Lý và Thạc sỹ - Bác sỹ nội trú Nguyễn Văn Phi, Trường Đại học Y Hà Nội, bên cạnh nội dung trao đổi về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh xuất tinh sớm, yếu sinh lý, từ phút thứ 12’57s - 13’10s, chương trình lồng ghép quảng cáo sản phẩm Trường Vương Thượng Bổ “có hiệu quả rõ nét, an toàn trong điều trị sinh lý nam giới”.

Truong Vuong Thuong Bo
Trang chủ truongvuongthuongbo.com dẫn nhiều video, bài viết giới thiệu, quảng cáo TPCN Trường Vương Thượng Bổ gây nhiều nhầm như thuốc có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng. Ảnh chụp màn hình.  

Với sự góp mặt của những khách mời nổi tiếng cũng như cách quảng cáo sản phẩm nói trên, nhiều khách hàng, người tiêu dùng càng dễ nhầm lẫn TPCN Trường Vương Thượng Bổ là thuốc chữa bệnh.

Điều đán nói, ngay sau khi Kiến Thức đăng tải các bài viết vạch trần quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm Trường Vương Thượng Bổ, các bác sỹ tham gia tọa đàm về sức khỏe trong đó có lồng ghép quảng cáo sản phẩm Trường Vương Thượng Bổ bất ngờ lên tiếng, bày tỏ bức xúc khi cho rằng Công ty TNHH Đầu tư thương mại STS Việt Nam (viết tắt là Công ty STS Việt Nam - đơn vị đứng tên sản xuất sản phẩm Trường Vương Thượng Bổ) lợi dụng tên tuổi của mình gây hiểu lầm cho khách hàng.

Trao đổi với Kiến Thức, Thạc sỹ - Bác sỹ nội trú Nguyễn Văn Phi ngạc nhiên: “Khi nhận lời tham gia chương trình, tôi không thấy kênh VTV2 đề cập tới việc trong chương trình sẽ có quảng bá một sản phẩm hay một nhãn hiệu nào, mà chỉ đơn thuần là một chương trình tư vấn kiến thức về yếu sinh lý.

Video "Hiểu Đúng Bệnh Chữa Đúng Cách - Chữa Yếu Sinh Lý, Xuất Tinh Sớm, Rối Loạn Cương Dương" trên VTV2 có nội dung lồng ghép giới thiệu TPCN Trường Vương Thượng Bổ có tác dụng điều trị sinh lý nam giới.

Do vậy, khi nhận được thông tin trong chương trình quảng cáo sản phẩm Trường Vương Thượng Bổ “có hiệu quả rõ nét, an toàn trong “điều trị” sinh lý nam giới”, tôi không đồng ý với cách thức quảng cáo như vậy. Bởi vô hình chung, sự xuất hiện của tôi trong chương trình sẽ gây hiểu lầm tới độc giả là tôi đang quảng cáo cho sản phẩm. Nếu cần đối chứng giữa 3 bên, tôi sẵn sàng đối chứng”.

Cũng xuất hiện trong một video quảng cáo “Trường Vương Thượng Bổ Dứt Điểm Xuất Tinh Sớm, Yếu Sinh Lý”, bác sỹ Hoàng Khánh Toàn – trưởng khoa Đông y bệnh viên 108 khẳng định: “Tôi tham gia chương trình khi đã tìm hiểu kỹ về sản phẩm Trường Vương Thượng Bổ thông qua giấy xác nhận của Cục An toàn thực phẩm. Đây là thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh xuất tinh sớm, tăng cường sinh lý chứ không phải thuốc chữa bệnh.mLà một bác sỹ, tôi không đồng tình với những sự quảng bá sản phẩm nhập nhèm để bán hàng”.

Vi phạm quy định về quảng cáo TPCN của Bộ Y tế

Trước đó, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Văn Tú – Giám đốc truyền thông Công ty TNHH Đầu tư thương mại STS Việt Nam thừa nhận, việc quảng cáo sai công dụng của TPCN Trường Vương Thượng Bổ là do sai sót của nhân viên làm nội dung trang website.
Liên quan tới sự việc này, Thạc sỹ Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: “Dù là sai sót của bộ phận nào, cá nhân nào thì khi xảy ra sai sót, Công ty TNHH STS Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm”.
Theo đó, tại Điều 3, Thông tư 08/2013/TT – BYT về hành vi “Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh” nếu rõ: “Nghiêm cấm các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng”.
Nghị định 158 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định: “Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh”, sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm chức năng cũng như nhiều sản phẩm khác, doanh nghiệp phải được kiểm duyệt nội dung trước khi quảng cáo. Doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ đúng nội dung quảng cáo đã đăng ký và không được làm trái. Quảng cáo phải phù hợp với công dụng sản phẩm, không dùng từ ngữ mập mờ, không dùng các hình ảnh, video, biểu tượng của các cơ quan y tế… để tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Khi quảng cáo thực phẩm chức năng, bắt buộc có thêm chi tiết "sản phẩm không thay thế được thuốc chữa bệnh" và không được chỉ định để điều trị bệnh cụ thể.

Việc giới thiệu, quảng cáo TPCN Trường Vương Thượng Bổ gây nhiều nhầm như thuốc chữa bệnh trong thời gian dài khiến nhiều khách hàng, người tiêu dùng đã bức xúc. Báo điện tử Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ việc. 

Tâm An

>> xem thêm

Bình luận(0)