Người ta có câu: "Dạy con từ thủa còn thơ", thời điểm con cái còn đang học ăn, học nói mới là thời điểm quan trọng nhất trong quá trình dạy dỗ con.
Nếu ngay từ bé phụ huynh không rèn giũa, đến khi con lớn và hình thành tính cách cố định thì rất khó để thay đổi.
Mới đây, một người mẹ trẻ đã chia sẻ lên mạng xã hội tình huống oái oăm mà bản thân gặp phải trong chuyện giáo dục. Thế nhưng đối tượng ở đây không phải các con của cô mà lại là đứa cháu do người chị ruột gửi trông hộ.
"Mình hiện cũng đã làm mẹ của 2 đứa con 1 đứa 8 tuổi, 1 đứa 4 tuổi. Với con nhỏ 4 tuổi thì còn hạn chế. Nhưng con lớn của mình cũng đã biết giúp mẹ một vài công việc nhà nhẹ nhàng, bởi tôn chỉ của mình khi dạy con là sẽ giúp con sống tự lập, những gì tự làm được sẽ để con tự làm.
Cách đây nửa tháng, chị gái mình đưa con trai 10 tuổi tới nhờ trông hộ, là cháu ruột nên mình không nề hà và cũng đối xử với cháu như 2 đứa con mình.
Những ngày đầu, mình yêu cầu cháu dậy từ 7h sáng, cháu bảo ở nhà 12h mới dậy, nói cháu tự cất quần áo vào tủ cháu bảo ở nhà mẹ cất cho, để cháu tự giặt tất thì cháu nói thẳng chưa bao giờ làm.
Phân công cháu rửa bát thì nó nổi cáu bảo: 'Đó là việc của con gái, mẹ con bảo không cần làm mấy việc đấy'.
Mình kiên nhẫn giải thích với cháu rằng khi cháu ở nhà dì, cháu phải theo nề nếp ở đây, trong nhà này ai cũng phải làm việc không phân biệt trai gái. Và thật mừng rằng sau ít ngày uốn nắn, cháu đã biết làm việc nhà, tự giặt được quần áo.
Thế nhưng nửa tháng sau chị gái mình quay lại đón con, nghe thằng bé khoe ở nhà dì đã tự làm được rất nhiều thứ.
Thay vì khen con thì chị lại giận dữ trách móc mình, hét lên qua điện thoại rằng vì sao lại bắt con chị làm việc nhà, rồi trách rằng chẳng ai làm dì như mình, cháu đến chơi vài bữa mà khó khăn, bạc đãi cháu.
Sau đó không để mình kịp giải thích, chị tắt máy và chặn luôn tất cả mọi phương thức liên lạc. Thật sự là mình vô cùng bối rối, chị em trong nhà, con cháu ruột thịt, mình có làm gì sai không khi giáo dục trẻ biết cách tự lập?".
Có thể thấy, phương pháp giáo dục của 2 chị em trong câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Người chị thì có suy nghĩ việc nhà là của đàn bà, trẻ con hay con trai không có nghĩa vụ phải làm những thứ đó. Ngược lại, người em lại giáo dục các con cách sống tự lập, không cần phải làm những việc nặng nhọc, chỉ cần làm những việc nhỏ trong độ tuổi của mình là được.
Bản thân "chủ thớt" còn không ngờ được rằng, việc giáo dục mình dạy cho đứa cháu lại bị chị gái phản ứng dữ dội đến vậy. Thậm chí người chị còn chặn luôn mọi phương thức liên lạc với người em gái.
Câu chuyện được người dì chia sẻ đã nhận về rất nhiều phản hồi của cư dân mạng. Phần lớn ý kiến khen ngợi và ủng hộ phương pháp giáo dục trẻ của cô, cho rằng rất đáng để học tập.
Làm việc nhà từ sớm là một phương pháp dạy trẻ cách biết ơn, có trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, nhiều người chỉ trích phương pháp dạy con của chị gái. Hành vi của người chị gái này không chỉ khiến đứa trẻ trở lên lười biếng, ỷ lại vào gia đình mà còn tiêm nhiễm tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vô cùng cổ hủ mà xã hội đang cố gắng xóa bỏ.