Sinh ra trong một gia đình có điều kiện, được bố mẹ nuông chiều. Vốn là quý tử nên ông bà nội coi tôi như “báu vật”. Có những lúc được nuông chiều thái quá, nhiều người thường nói rằng tôi cứ sống mãi trong vỏ bọc thế này thì làm sao mà trưởng thành lên được.
Những tưởng cuộc sống hào nhoáng giàu sang sẽ ở bên tôi mãi mãi. Nhưng không, từ ngày bố mất vì căn bệnh ung thư quái ác đã đẩy gia đình tôi đến bên bờ vực thẳm. Càng đau sót hơn khi mẹ “nghiện” “phi công trẻ”.
Mẹ tôi là người đàn bà đã ngoài 40 nhưng ngoại hình của bà vẫn rất đẹp, nhất là cặp mắt khiến bất cứ anh chàng nào cũng phải mê đắm.
Bà ngoại tôi thường bảo “ngày xưa mẹ cháu có nhiều người theo đuổi lắm, có những người còn yêu thầm 5 năm”. Đến khi lấy bố tôi, có hai mặt con nhưng vẫn có nhiều người tán tỉnh, trêu đùa.
Khi bố tôi ngã bệnh cũng là lúc mẹ tôi bắt đầu có những chuyến đi làm xa. Tôi có thắc mắc thì mẹ bảo “không đi làm lấy tiền đâu mà thuốc thang cho bố mày”. Nhiều khi, tận mắt tôi chứng kiến “xe ôm” của mẹ là những người còn khá trẻ.
Đến khi bố tôi qua đời, chỉ được một thời gian mẹ bắt đầu bỏ rơi chúng tôi để lao vào những cuộc tình đó.
Có thể, cuộc sống vật chất đầy đủ nên mẹ tôi lại càng có nhiều thời gian dành cho bản thân. Hơn nữa ở cái tuổi mà người ta vẫn thường nói là “hồi xuân” thì hơn ai hết tôi nhận thấy mẹ mình đang cảm thấy khát khao, muốn tìm một bờ vai để tựa.
Thiên hạ bàn ra tán vào nói ông bà nội tôi vô phúc khi có một cô con dâu ‘nghiện” phi công trẻ đến vậy. Nhiều lần tôi đã cố gắng không tin vào những lời đồn thổi đó nên tôi đã âm thầm theo dõi, tôi đã kiểm tra điện thoại của mẹ, rất nhiều tin nhắn mẹ gửi cho anh ta với lời lẽ yêu thương.
Nếu người mẹ quen là người đàn ông đã lớn tuổi thì tôi còn có thể chấp nhận vì tôi biết mẹ rất muốn có người tâm sự khi bố đã ra đi. Nhưng đằng này, người mẹ quen lại là một thanh niên chỉ hơn con gái đầu của mình vài tuổi. Anh ta chỉ lợi dụng mẹ tôi để moi tiền thôi.
|
Tôi có nên tha thứ cho người mẹ bỏ rơi chúng tôi? (Ảnh minh họa). |
Tôi còn nhớ như in, ngày tôi học đại học năm thứ nhất, nhà cách trường gần 20 cây số nhưng tôi không được mua xe máy để đi học, hàng ngày phải đi xe bus trong khi “phi công” của mẹ thì có xe máy xịn để chở mẹ đi chơi.
Tết đến, tôi có xin tiền mua vài thứ đồ thì mẹ tôi bảo cả tháng này có làm gì ra tiền đâu, trong khi mẹ lại đưa “phi công” đi sắm đồ hàng hiệu, thậm chí còn mua quà tết về biếu anh ta.
Một điều làm tôi đau đớn hơn, khi ông bà nội tôi ốm, mẹ không một lần qua thăm hỏi. Có chăng đến nhà ông bà cũng chỉ là để vay tiền cho “phi công” của mẹ chơi cờ bạc, đi bar….
Nhiều lần tôi và chị gái khuyên mẹ nhưng mẹ vẫn không từ bỏ. Bà cho rằng, đời bà hy sinh cho chúng tôi quá nhiều, chưa làm được gì cho mẹ thì không ai có quyền ngăn cản.
Cách đây hơn một năm, tôi và chị gái phải bỏ nhà ra đi chỉ vì mẹ tôi vay nặng lãi để bao “phi công” ăn chơi đến lúc không có trả thì chủ nợ cho xã hội đen đến nhà đòi. Sợ quá, chúng tôi phải trốn biệt, đến nỗi giỗ bố, tết cũng không dám về nhà.
Tôi lang thang khắp nơi, đang từ một công tử trở thành đứa trẻ mồ côi, đầu đường xó chợ. Nhưng, tự bản thân tôi hiểu được rằng, không thể đầu hàng số phận, phải bản lĩnh để dành lại những gì đáng ra thuộc về mình.
Tôi lao vào vừa học vừa làm như một con thiêu thân. Trường đời đã cho tôi trải nghiệm bao “hỉ, nộ, ái, ố” mà một thằng được coi là công tử như tôi có nằm mơ cũng không thể nào ngờ có một ngày mình lại ra nông nỗi này. Càng nghĩ về cuộc đời “xuống dốc” của mình tôi càng căm hận người đã sinh ra tôi không biết bao nhiêu lần.
Cũng đã mấy năm nay tôi không nhìn mặt mẹ, cũng không liên lạc hỏi thăm gì về mẹ. Tôi hận mẹ. Nhưng mấy ngày vừa qua, dì tôi có nhắn tin mẹ tôi bị tai nạn nằm viện, bị “phi công trẻ” lợi dụng giờ không còn bất cứ thứ gì, mong tôi hãy vào thăm bà.
Tôi muốn đến để hỏi vì sao mẹ lại đối xử với chúng tôi như vậy. Nhưng những uất hận trong lòng bấy lâu đã ngăn bước chân của tôi. Tôi có nên tha thứ cho người mẹ tồi tệ ấy không?