Nguyên nhân gây hôi miệng
Trước tiên phải kể đến đó là do thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng của mỗi người. Hàng ngày chúng ta nạp rất nhiều thức ăn, và nếu răng miệng không được vệ sinh thường xuyên thì tình trạng hơi thở có mùi khó chịu là điều tất nhiên. Lười đánh răng hoặc ngại súc miệng sau khi ăn uống có thể khiến đồ ăn mắc vào kẽ răng, sản sinh vi khuẩn và làm tổn thương nướu răng gây hôi miệng.
Nguyên nhân thứ hai là do các bệnh về răng miệng như viêm, sâu răng... Tình trạng viêm chân răng hay các bệnh lý khác đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơi thở.
|
Ảnh minh họa. |
Thứ ba là do một số loại thuốc mà chúng ta sử dụng, ví dụ như thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu... đều có thể gây tác dụng phụ.
Thứ tư là do thói quen hút thuốc và uống nhiều nước có chất kích thích. Thuốc lá không chỉ gây vàng răng và nhiều bệnh nguy hiểm, đây còn là thủ phạm khiến khoang miệng trở nên "ô nhiễm" nặng nề, hút thuốc lá quá nhiều sẽ khiến mùi hôi ngày càng trầm trọng.
Nguyên nhân cuối cùng là do bệnh tật. Viêm xoang là một trong những "kẻ thù" gây hôi miệng. Bên cạnh đó, bệnh thận hư, ung thư máu, bệnh gan hoặc phụ nữ đang trong chu kỳ cũng có thể khiến hơi thở có mùi khó chịu.
Trị dứt điểm hôi miệng bằng dầu thực vật
Dầu dừa đã được chứng minh chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn. Đặc biệt là axit lauric sẽ giúp loại bỏ những vi khuẩn gây mùi hôi khó chịu. Dầu dừa cũng kích thích tuyến nước bọt tăng tiết dịch, từ đó làm sạch khoang miệng hiệu quả.
Streptococcus là một trong những loại vi khuẩn gây hôi miệng, theo một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, sử dụng dầu dừa đều đặn trong 2 tuần, lượng vi khuẩn Streptococcus sẽ giảm đáng kể, mảng bám cũng được làm sạch, không chỉ "tạm biệt" mùi hôi mà hàm răng cũng trở nên sáng trắng hơn rất nhiều.
1. Dầu dừa
Bước 1: Đánh răng sạch sẽ, bước này một phần giúp loại bỏ thức ăn thừa và dầu dừa sẽ phát huy tác dụng tốt hơn.
Bước 2: Ngậm 2 thìa cà phê dầu dừa trong miệng, súc đều, giữ khoảng 5 đến 10 phút. Lúc này dưỡng chất trong dầu dừa sẽ làm sạch khoang miệng. Tuyệt đối không được nuốt dầu dừa. Nên chọn dầu dừa nguyên chất, tránh mua những loại dầu đã qua pha chế.
Bước 3: Nhổ dầu dừa ra, đánh răng lần 2, cạo lưỡi để loại bỏ sạch sẽ vi khuẩn. Súc miệng nước muối loãng lần cuối.
Áp dụng 3 bước trên đều đặn mỗi ngày bạn sẽ thấy được hiệu quả rõ rệt sau khoảng 2 tuần.
2. Tinh dầu tràm
Bước 1: Đánh răng sạch sẽ. Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa.
Bước 2: Cho một chút tinh dầu tràm vào bàn chải đánh răng, chà nhẹ nhàng từ trong ra ngoài.
Bước 3: Đánh răng lần 2. Súc miệng lần cuối với nước muối loãng. Nước muối có tác dụng sát khuẩn rất tốt. Chú ý không nên pha quá mặn, nước muối mặn có thể gây tổn thương niêm mạc họng.
Vệ sinh răng miệng đúng cách để chống mùi hôi
- Đánh răng 2 lần/ngày. Sau khi đánh răng, đừng quên cạo lưỡi và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ hoàn toàn thức ăn trong kẽ răng. Răng miệng luôn sạch sẽ không chỉ ngăn hơi thở có mùi mà còn phòng nhiều bệnh nguy hiểm.
- Uống đủ nước mỗi ngày, nước cung cấp độ ẩm trong khoang miệng, kích thích tăng tiết nước bọt. Chống khô và làm sạch khoang miệng.
- Không hút thuốc lá, không uống rượu bia.
- Đi khám nha khoa định kỳ để tránh mắc phải những căn bệnh liên quan tới răng, nướu.
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh cũng là thói quen tốt giúp cải thiện tình trạng hơi thở có mùi.
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):