|
Ảnh minh họa. |
Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7- giai đoạn nguy hiểm
Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh diễn biến nhanh và nặng, có thể thành dịch. Bệnh có thể lây từ người sang người qua muỗi vằn. Bệnh thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24 – 48h; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.
“Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện như: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ; huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg; huyết áp bị tụt hoặc không đo được; lượng nước tiểu ít. Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng.” – TS Nguyễn Văn Lâm nói.
Bên cạnh đó, dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu hóa (tiểu ít, đi ngoài phân đen hoặc ra máu đỏ tươi), phổi, não; đây là dấu hiệu nặng. Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không bị sốc, vì vậy trên thực tế lâm sàng cần cảnh giác.
Chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết như thế nào?
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp; mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng trầm trọng xảy ra.
Cụ thể, điều dưỡng Trần Thị Ngọc, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị SXHD phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi. Khi trẻ sốt ≥ 38,5oC cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/ kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 -6 giờ/ lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật. Tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
“Cần phải cho trẻ uống nhiều nước: Nước Oresol, nước lọc, nước cam, nước dừa…Cho trẻ ăn thức ăn mềm, cân đối về dinh dưỡng, thức ăn giàu vitamin: Rau, nước quả ép. Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu. Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh”, điều dưỡng Trần Thị Ngọc lưu ý.
Ngoài ra, tránh muỗi đốt là cách phòng bệnh sốt xuất huyết hữu hiệu nhất. Theo đó, người dân cần ngủ màn kể cả ban ngày, không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, ẩm ướt, cho trẻ mặc quần áo dài tay, dùng kem, dầu chống muỗi. Cần diệt loăng quăng bọ gậy, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thu dọn các đồ vật có đọng nước quanh nhà như: Vỏ đồ hộp, chai lọ, …Tăng cường khơi thông san lấp những vũng đọng nước mưa. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo nhiều quần áo tránh làm chỗ cho muỗi ẩn nấp.