Từ tháng 11.2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất (đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng).
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, hiện thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, cũng như điều kiện cần thiết tại các cơ sở tiêm chủng cho trẻ. Thời gian qua, thành phố đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn chưa từng có, với hơn 8 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 đã được triển khai tính đến thời điểm hiện tại.
Hà Nội lên kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Ảnh: Hải Nguyễn
Theo ông Tuấn, việc triển khai khi tiêm trên trẻ em khó khăn hơn so với khi tiến hành trên người lớn. Bởi khi áp dụng cho trẻ em thì cần hết sức thận trọng và phải có người lớn cùng đi theo dõi sức khoẻ. Người nhà có vai trò giúp ổn định tâm lý cho trẻ khi được tiến hành tiêm chủng vaccine.
Hiện tại Hà Nội đã có 2 phương án triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Nếu học sinh đi học đầy đủ sẽ tiêm tại trường học bởi thời gian qua ngành y tế và ngành giáo dục đã phối hợp rất tốt trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Còn nếu dịch phức tạp sẽ tiêm tại cộng đồng.
Trước mắt, thành phố đang rà soát các đối tượng, nhưng tùy thuộc vào lượng vaccine được phân bổ. Nếu vaccine không đủ sẽ tiêm từ cao đến thấp từ 18-17 tuổi, 17-16 tuổi. Nếu có đầy đủ vaccine sẽ triển khai tiêm diện rộng. Trước mắt, ngành y tế đã lên danh sách khoảng 680 - 840 ngàn trẻ thuộc đối tượng tiêm vaccine COVID-19.
Ông Khổng Minh Tuấn cũng cho rằng, việc phụ huynh lo lắng cho trẻ khi tiêm cho con em mình là điều dễ hiểu. Do đó gia đình cần quan tâm nhiều hơn phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu, trong đó đặc biệt là 30 phút sau khi tiêm cần được cán bộ y tế theo dõi sát sao. Phụ huynh cần động viên, trấn an các cháu để tránh tâm lý lo sợ, tương tự như khi tiêm các loại vaccine khác.
Cũng theo CDC Hà Nội, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm xong cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, thậm chí đang triển khai tiêm cho đối tượng từ 5 - 11 tuổi. Do đó, nếu khi triển khai tại Việt Nam, quan trọng nhất vẫn là vấn đề khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19 để có được chỉ định chính xác, đảm bảo tiêm an toàn, đúng đối tượng.
Căn cứ vào lượng vaccine được phân bổ, TP Hà Nội sẽ có kế hoạch tiêm cho trẻ em từ lứa tuổi cao xuống thấp, thống nhất trên 30 quận huyện thị xã. Với quận huyện sẽ triển khai theo đúng kế hoạch. Việc tiêm quay vòng trở lại với các khối lớp sẽ không có khó khăn gì và không ảnh hưởng nhiều đến học tập của các em.
Còn theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em cũng như quy trình tiêm cho người lớn. Cần thực hiện khám sàng lọc để xác định các trường hợp chống chỉ định, là các trường hợp liên quan đến phản ứng phản vệ ở mức độ 2. Còn lại các trường hợp khác đều có thể chỉ định tiêm.
PGS.TS Trần Minh Điển cho rằng, cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em để đảm bảo trẻ bớt được triệu chứng nặng của tình trạng bệnh và đặc biệt trong nhóm trẻ có bệnh nền như ung thư, thận, gan… thì vaccine sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong đối với những trẻ này, vì đây là đối tượng nguy cơ cao.