Hắc sắc tố melanin là yếu tố quyết định nên màu tóc của con người. Melanin được hình thành khi 2 loại axit amin trong cơ thể kết hợp với nhau, bao gồm tyrosine và phenylalanine. Ngoài ra trong nang tóc còn chứa các tế bào melanocyte giúp quy định sắc tố nâu hoặc đen của tóc, giúp tóc trông luôn sáng bóng và chắc khỏe.
Tuy nhiên, ngày nay, không ít trường hợp trẻ có tóc bạc sớm khiến bố mẹ lo lắng.
Trẻ em bị tóc bạc sớm có phải là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý? Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây ra tóc bạc sớm ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây ra tóc bạc sớm ở trẻ em, bao gồm:
Di truyền: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tóc bạc sớm ở trẻ em. Nếu bố hoặc mẹ bị tóc bạc sớm thì con cái cũng có nguy cơ bị cao hơn.
Các bệnh lý chuyển hóa: Một số bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, cường/suy tuyến thượng thận, men gan, nồng độ cholesterol cao, v.v cũng có thể làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm.
Khói thuốc lá: Hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân khiến trẻ có tóc bạc sớm. Trong thành phần thuốc lá có chứa chất ôxy hóa tế bào, làm giảm khả năng sản xuất melanin, khiến tóc bạc sớm.
Tác động của môi trường: Một số yếu tố môi trường như tiếp xúc với bức xạ, ô nhiễm, hóa chất, v.v cũng có thể làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm.
Tâm lý: Căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, v.v cũng có thể là nguyên nhân gây ra tóc bạc sớm ở trẻ em.
Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu hụt một số chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, vitamin B, chất khoáng (như sắt, kẽm, đồng), và protein cũng có thể làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc hóa trị, xạ trị, thuốc chống trầm cảm, v.v có thể gây ra tóc bạc sớm.
Thói quen ăn uống không tốt: ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, đồ uống có cồn, v.v có thể làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm.
Dầu gội và xà phòng: Sản phẩm làm sạch tóc bao gồm dầu gội, xà phòng,… chứa các chất độc hại hoàn toàn có thể làm tóc bị tổn thương, từ đó dẫn đến tình trạng tóc bạc sớm, đặc biệt là với trẻ em – đối tượng có mái tóc mỏng, yếu và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Trẻ em bị tóc bạc sớm có phải là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm?
Trong nhiều trường hợp, tóc bạc sớm không đơn thuần chỉ là tình trạng tóc bạc, mà là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm hơn.
Bệnh chuyển hóa
Các bệnh lý chuyển hóa như tiểu đường, cường/suy tuyến thượng thận, men gan, nồng độ cholesterol cao,... đều làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm.
Bệnh rối loạn miễn dịch
Sự rối loạn tự miễn khiến hệ miễn dịch không hoạt động bình thường và tấn công da đầu, làm gián đoạn quá trình tạo ra melanin, dẫn đến tình trạng tóc bạc ở trẻ em. Một trong những căn bệnh rối loạn miễn dịch khiến trẻ em có tóc bạc là bệnh bạch biến. Tế bào hắc tố ở bệnh nhân mắc bệnh bạch biến nhạy cảm hơn với stress oxy hóa. Bệnh khiến các tế bào hắc tố bị mất hoặc bị phá hủy.
Bệnh u xơ thần kinh
Nhóm bệnh di truyền này khiến các khối u phát triển dọc theo dây thần kinh gây ra sự phát triển bất thường của xương và da.
Hội chứng waardenburg
Đây là một nhóm bệnh di truyền có thể gây mất thính giác và thay đổi màu sắc của tóc, da và mắt.
Hội chứng progeroid
Đây là chứng lão hóa sớm khiến ADN dễ bị ảnh hưởng bởi stress ôxy hóa, làm tăng nguy cơ tóc bạc ở trẻ em.
Làm thế nào để cải thiện tóc bạc sớm ở trẻ em?
Ngoài quan tâm đến việc trẻ em tóc bạc sớm khám ở đâu, nhiều ông bố bà mẹ cũng chú ý đến phương pháp góp phần cải thiện tình trạng này. Theo các chuyên gia y tế cho biết, trẻ em bị tóc bạc sớm cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất như:
Vitamin A: Đây là loại vitamin giúp da đầu khỏe mạnh, mái tóc óng ả, sáng bóng tự nhiên mà bố mẹ nên bổ sung cho con khi bé có dấu hiệu tóc bạc sớm. Các thực phẩm giàu vitamin A bao gồm rau củ quả màu cam, vàng, đỏ như cà rốt, ớt chuông, bí đỏ,…
Vitamin B: Bổ sung đầy đủ vitamin B giúp da đầu tiết dầu điều độ hơn, hạn chế tình trạng tóc bết, giúp mái tóc mềm mại, khỏe mạnh tự nhiên. Hơn thế nữa, vitamin B còn giúp tóc đen óng ả, cải thiện tóc bạc sớm hiệu quả nữa đấy. Trong chế độ ăn hàng ngày bố mẹ nên chú ý cho trẻ ăn thêm rau xanh, sữa chua, cà chua, ngũ cốc, chuối,… nhé.
Chất khoáng: Các chất khoáng bao gồm sắt, đồng, kẽm rất quan trọng với một mái tóc chắc khỏe, đen óng và giảm tốc độ lão hóa nên trong chế độ ăn uống hàng ngày bạn cũng cần để ý bổ sung thêm những chất này qua rau xanh, hạt hướng dương, rau mùi tây, thịt bò, ngũ cốc nguyên cám, lòng đỏ trứng,…
Protein: Đây là yếu tố giúp tóc có độ bóng khỏe tự nhiên, đồng thời cải thiện kết cấu tóc nên rất cần thiết trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.