Cách đây 14 năm khối u xương cánh tay của chị Trương Thị Nương (sinh năm 1989 ở Lục Yên, Yên Bái) đã được bác sĩ chỉ định cắt bỏ cả cánh tay vì u quá to. 12 năm sau u phát triển khổng lồ thành một khối rắn chắc kẹp chặt cánh tay chị vào sát thân mình không cử động được. Khối u dính chặt mạch máu và thần kinh, phẫu thuật dễ tử vong nhưng sau 5 giờ bóc tách, cưa đục... và ghép xương, các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 không chỉ loại bỏ được khối u kích thước 18 x 20cm ra khỏi người bệnh nhân mà còn giữ lại cho bệnh nhân cánh tay nguyên vẹn.
Cắt nhiều u to nhưng không khó như vậy
PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân bị u xương cánh tay từ khi còn nhỏ đến năm 14 tuổi đã đi khám tại một số bệnh viện hàng đầu ở tuyến trung ương và được chỉ định mổ cắt bỏ cánh tay. Khi đó, u chỉ nổi to nhưng cánh tay vẫn cử động được bình thường nên gia đình không chấp nhận và giữ nguyên.
Càng ngày khối u phát triển càng lớn và sau 12 năm thì u đã phát triển ôm chặt lấy xương bả vai, cánh tay và nách sát thân mình khiến bệnh nhân không thể cử động dạng hoặc giơ tay được dù cẳng tay và bàn tay vẫn cử động bình thường. Dù như vậy nhưng do nhà nghèo, sợ tàn phế bệnh nhân vẫn chấp nhận sống chung với nó. Gần đây, bệnh nhân thường xuyên đau nhức, mất ăn mất ngủ không chịu được nên đi khám.
Theo PGS.TS Lê Văn Đoàn, xét về u xương thì khối u xương cánh tay của chị Nương chưa phải là khủng nhất. Năm 2008, Viện Chấn thương - Chỉnh hình đã từng mổ cho một bệnh nhân bị u sụn toàn bộ đầu trên xương đùi với đường kính khối u tới 30 x 30cm, bao chọn toàn bộ khớp háng. Nhưng khối u của chị Nương lại nằm ở cánh tay và lan rộng toàn bộ phần vai tạo nên một khối rắn chắc. Đây là nơi có có rất nhiều các mạch máu lớn và các dây thần kinh quan trọng, khối u bao bọc, xâm lấn và dính chặt vào mạch máu và thần kinh khiến các mạch máu tăng sinh, nên gây khó khăn rất nhiều cho phẫu thuật.
Trong mổ nguy cơ chảy máu ồ ạt không cầm được và bệnh nhân sẽ tử vong hoặc khả năng các dây thần kinh bị đứt, bị tổn thương, sau mổ tay liệt là rất cao, như thế có bảo tồn được thì cũng chẳng khác gì cắt cụt. Chính vì khó khăn như vậy, nên nhiều bệnh viện trả về hoặc khuyên bệnh nhân cắt bỏ tay còn hơn để bệnh nhân chết trên bàn mổ.
|
Khối u của bệnh nhân Nương trước phẫu thuật. |
“Cân não”
PGS.TS Lê Văn Đoàn cho biết, trường hợp của bệnh nhân Nương, sau 2 lần hội chẩn tỉ mỉ về cách thức lấy u, thậm chí đã lường trước đến những khả năng phải cắt đoạn mạch máu, thần kinh do u chèn ép quá chặt, bị đứt ngoài việc phải tiếp nhiều máu, kíp mổ cũng đã có kế hoạch lấy mạch máu, thần kinh ở nơi khác lên nối... song nhiều bác sĩ vẫn ngại ngùng khuyên thôi. Bởi nếu không phẫu thuật để lại khối u khủng, dù bệnh nhân đau đớn nhưng may mắn còn sống thêm được với con nhỏ vài năm. Phẫu thuật bệnh nhân chết thì cả bác sĩ và người nhà bệnh nhân đều khổ.
Trong những trường hợp như thế này, người bác sĩ có chuyên môn giỏi, nếu không có “độ liều” và không hết lòng hy sinh vì người bệnh, chắc chắn cũng không dám nhận mổ. Nguy cơ đối với khối u này khi phẫu thuật bao gồm: Mất máu và khối u ôm cả dây thần kinh, mạch máu nên nhiều khả năng phải cắt cả đoạn thần kinh, mạch máu để ghép lại. Vì vậy, viện đã lên phương án với 2 kíp mổ: Một kíp chính và một kíp dự phòng tiếp ứng khi có bất thường xảy ra, 3 lít máu cũng đã được chẩn bị sẵn để bù.
Ngày 11/8/2015, ca phẫu thuật được tiến hành. Dù đã quá quen với việc phẫu thuật u xương, bóc tách các mạch máu và nối ghép các dây thần kinh nhưng khi phẫu thuật khối u này, do các mạch máu tăng sinh mạnh dính chặt vào khối u rắn chắc nên dễ đứt và vỡ, ông cùng các đồng nghiệp đã phải rất cẩn thận gỡ dính cánh tay ra khỏi thân mình và nách bệnh nhân, bóc tách bộc lộ từng mạch máu, dây thần kinh ra khỏi khối u. Khi khối u được giải phóng, các bác sĩ đã dùng cưa, đục để lấy toàn bộ khối u. Khối u được lấy có kích thước 18 x 20cm rắn chắc.
Theo PGS.TS Lê Văn Đoàn, may mắn kíp mổ đã bóc tách được toàn bộ mạch máu và dây thần kinh mà không phải cắt đoạn nên đã không phải phẫu thuật lấy mạch máu và dây thần kinh ở chân để ghép lên nhưng khối u lớn, phải cắt bỏ toàn bộ đầu xương cánh tay nên cánh tay bị khuyết hổng lớn. Kíp phẫu thuật đã phải lấy xương mác ở cẳng chân bệnh nhân lên ghép trả lại cho bệnh nhân cánh tay lành lặn. Sau 5 giờ căng thẳng, ca mổ đã thành công tốt đẹp, bệnh nhân chỉ phải truyền hơn 1 lít máu, sau mổ các vận động và cảm giác của bàn tay và ngón tay được bảo tồn nguyên vẹn và sau 12 ngày bệnh nhân đã được ra viện.
|
Khối u đã được lấy ra. |
Điều trị sớm để tránh tàn phế
Các chuyên gia cho biết, u tế bào khổng lồ của xương, còn gọi là u đại bào, là một dạng u xương lành tính, thường gặp ở đầu xương dài ở người lớn trẻ tuổi khi xương đã trưởng thành và sụn tiếp hợp ở vùng đầu xương đã cốt hóa. U xương tế bào khổng lồ chiếm 5 - 10% các khối u xương nguyên phát và chiếm khoảng 20% các u xương lành tính. Đây là loại u xương thường gặp nhất ở người trẻ trong độ tuổi 25 - 40.
Các vị trí thường gặp nhất theo thứ tự là đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu dưới xương quay, đầu trên xương cánh tay và xương cùng. Khoảng 50% u tế bào khổng lồ xuất hiện ở xương vùng quanh khớp gối. Một số vị trí cũng thường gặp khác gồm đầu xương mác, đầu trên xương đùi. Hiếm gặp hơn là ở cột sống và những vị trí khác.
PGS.TS Đoàn cho biết, u xương tế bào khổng ở giai đoạn sớm hoặc khối u nhỏ, bệnh nhân có thể không có triệu chứng. Các triệu chứng thường không đặc hiệu và thường xuất hiện khi tổn thương bắt đầu phá hủy vỏ xương và kích thích màng xương hoặc khi xương yếu gây gãy xương bệnh lý. Hầu hết bệnh nhân có biểu hiện đau, xuất hiện từ từ, tăng dần, đôi khi có thể phát hiện thấy khối u xương hoặc u phần mềm tại vị trí tổn thương. Triệu chứng chính là đau.
Thường chẩn đoán được khi bệnh nhân đau và đi khám trước khi có thể nhìn và sờ được khối u. Bệnh tiến triển tự nhiên, không điều trị gì, sẽ dẫn đến khối u khổng lồ, gãy xương bệnh lý, và có thể hoại tử da ở trên khối u. Điều trị bằng phẫu thuật loại bỏ khối u. Vì vậy, khi có u xương người bệnh nên đi khám và điều trị sớm, bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Tránh tình trạng để to, phẫu thuật không lấy hết u, nguy cơ tái phát có thể lên đến 40% và khi tái phát dễ có nguy cơ ác tính.
U tế bào khổng lồ đa phần lành tính nhưng tuyệt đối không nên để u phát triển thành khổng lồ phá hủy các tổ chức lân cận làm vỡ mạch máu, nguy cơ tử vong hoặc phải cắt cụt là rất lớn.