Trăn trở hai chữ "gia đình" giữa tâm bão dịch COVID-19

Google News

Giữa tâm bão của dịch bệnh COVID-19, dường như “gia đình” lại bị tước đi sự an toàn vốn có, thay vào đó là những nỗi sợ, những chia ly.
 
 

Hạnh phúc bị đoạt mất
Có một điều ít ai biết rằng các nhà khoa học tại tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã đưa ra báo cáo vào tháng 3/2019, bày tỏ quan ngại rằng một dịch bệnh truyền nhiễm về hô hấp tương tự như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hay hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) có thể tiếp tục xuất hiện trên thế giới trong tương lai gần, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Tran tro hai chu
 Một nữ y tá trẻ tại tỉnh Chiết Giang gặp lại chồng sắp cưới sau 11 ngày làm việc. Họ dự định kết hôn vào ngày 14/2 nhưng phải hoãn lại. Hai người trao nhau nụ hôn qua ô cửa kính nơi bệnh viện - Ảnh: China News
Tuy vậy, bản thân các chuyên gia cũng không thể ngờ rằng dự đoán của họ lại đến sớm và với một chủng vi-rút mới có tốc độ lây lan cực kỳ nhanh chóng, một phần do sự biến đổi cấu trúc di truyền khiến chúng có độ bám vào tế bào gấp khoảng 1.000 vi-rút SARS, phần còn lại là từ thời điểm và địa điểm xảy ra những ca nhiễm đầu tiên.
Thành phố Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, trung tâm lưu chuyển hành khách, hàng hóa của cả khu vực miền trung Trung Quốc. Bên cạnh đó, những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/2019, gần kề kỳ nghỉ tết dương lịch và tết Nguyên đán, thời điểm mà việc đi lại của người dân tăng nhiều nhất trong năm bởi tất cả muốn về nhà đón năm mới cùng gia đình, người thân.
Truyền thống sum họp vốn dĩ là một nét văn hóa quý giá của Á Đông ấy bỗng trở thành “tòng phạm” của chủng vi-rút mới, gieo rắc nỗi khổ cho hàng triệu hộ gia đình. Cho đến ngày 23/1, khi thành phố Vũ Hán chính thức bị phong tỏa, đã có khoảng 5 triệu người rời nơi đây để về quê cùng gia đình, mang theo mầm mống dịch bệnh nguy hiểm ra khắp các tỉnh thành tại Trung Quốc và cả nước ngoài mà không hề hay biết.
Mâm cơm ngày tết trước bàn thờ gia tiên, nơi cháu con quây quần hoặc ít nhất là một bàn tiệc để cả gia đình cùng chúc mừng năm mới bỗng trở thành điều cấm kỵ, cả về mặt tuyên truyền của chính phủ lẫn thực tế mà dịch bệnh tạo ra.
Tại Hồng Kông, 10 thành viên trong một gia đình được xác nhận nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19) sau khi cùng nhau ăn lẩu tại một nhà hàng ở địa phương. Xót xa hơn là vụ một đạo diễn nổi tiếng tại Hãng phim Hồ Bắc.
Trang Sina tại Trung Quốc ngày 17/2 cho biết, gia đình của đạo diễn Thường Khải, bao gồm cha, mẹ, chị gái và bản thân ông đều đã tử vong trong vòng 20 ngày kể từ cuối tháng 1/2020, riêng vợ của ông được chữa trị kịp thời.
Trong bức di thư để lại, Thường Khải cho biết vào đêm giao thừa, khi các nhà hàng và khách sạn đều ngừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền thành phố, gia đình ông quyết định tụ tập tự nấu ăn, cầu mong một năm mới an lành và đó là khi chuỗi bi kịch bắt đầu.
Không chỉ phủ bóng đen lên các hoạt động sum họp gia đình, COVID-19 còn góp phần chia rẽ hạnh phúc uyên ương. Rất nhiều cặp đôi đã phải ngậm ngùi hủy bỏ đám cưới vào ngày 2/2/2020, mà theo quan niệm tại Trung Quốc là ngày song hỷ “trước sau như một”, vì nỗi lo dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, có rất nhiều y bác sĩ trẻ cũng đành gác lại chuyện lứa đôi để đi theo tiếng gọi của tổ quốc, bước ra tuyến đầu chống lại dịch bệnh, giữa lúc trang thiết bị thiếu thốn và cơ sở y tế quá tải.
Tran tro hai chu
 Bác sĩ Bành Ngân Hoa và vợ chưa cưới trong những bức ảnh cặp đôi cùng chụp trước ngày anh đi ra tuyến đầu chống dịch.
Bác sĩ Bành Ngân Hoa là một trong những người đã lựa chọn điều đó. Lẽ ra, vị bác sĩ chuyên khoa hô hấp 29 tuổi đã kết hôn vào ngày mùng Tám tháng Giêng âm lịch nhưng vì dịch bệnh bùng phát mà dời lại ngày cưới để đi nhận nhiệm vụ. Anh hứa hẹn cùng vợ chưa cưới “ngay cả dịch bệnh cũng không thể chia cắt đôi ta”. Thế nhưng khi những tấm thiệp hồng còn nằm trong ngăn bàn làm việc chưa kịp gửi, bác sĩ Bành đã qua đời vì COVID-19 vào ngày 20/2.
Một câu chuyện khác lấy đi không ít nước mắt của người dùng mạng xã hội Trung Quốc chính là hình ảnh vợ của bác sĩ Lưu Chí Minh - vị giám đốc bệnh viện đầu tiên qua đời vì COVID-19 - chạy theo sau chiếc xe đưa thi thể của ông đến nhà hỏa táng, bật khóc nức nở vì không thể nhìn mặt chồng lần cuối. Tất cả gia đình có bệnh nhân tử vong vì COVID-19 đều trải qua điều tương tự, không thể từ biệt người họ thương yêu.
Gia đình, hậu phương vững chắc cho cuộc chiến này
Một đoạn video ấm áp lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc ngày 14/2 cho thấy, một nữ nhân viên y tế ở Vũ Hán cuốc bộ đi làm dưới mưa lúc 3g sáng; đằng sau, người chồng lặng lẽ lái xe, dùng đèn pha chiếu sáng đường đi cho cô.
Tran tro hai chu
 Một cô gái Nepal trở về từ Vũ Hán ôm lấy cha sau khi trải qua đợt cách ly 14 ngày ở thành phố Bhaktapur, Nepal Ảnh: AP
Theo các bình luận, nữ bác sĩ nhi khoa tên Xiaoting làm việc tại bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, cô chọn tránh xa gia đình và chỉ trò chuyện qua ứng dụng tin nhắn, vì sợ mình nhiễm bệnh, có thể lây cho mọi người.
Do đó, chồng của cô, anh Yinghe quyết định lái xe theo sau để đảm bảo rằng vợ mình có thể đi bộ đến bệnh viện một cách an toàn mà không cho cô biết về điều đó. Ngoài ra, anh còn đảm bảo luôn có một bữa ăn nóng hổi tại phòng khách sạn khi Yinghe trở về từ bệnh viện.
Hơn một tháng sau khi ngã bệnh, Cheng Chuchu ở thành phố Vũ Hán, cuối cùng cũng được trở về nhà. Ngày 20/1, Cheng bắt đầu bị đau họng và ho. Cô đã cảnh giác cao độ và tự cách ly bản thân khỏi chồng con, đồng thời hủy bỏ kế hoạch dành tết Nguyên đán với bố mẹ ở một thành phố khác.
Ngày mùng một cũng là sinh nhật lần thứ 9 của cậu con trai nhưng Cheng không thể mua bánh kem mà chỉ có thể gửi lời chúc mừng "sinh nhật vui vẻ" đến con thông qua một cuộc trò chuyện video. Dù đứa trẻ tỏ ra không vui, Cheng biết rằng đây là sự hy sinh tốt nhất cho sức khỏe của gia đình cô. Sau khi nhập viện và chữa trị đến ngày 11/2, người mẹ một con tiếp tục lựa chọn cách ly để đảm bảo an toàn cho những thành viên còn lại.
Cô nói: “Tôi rất vui mừng khi gặp lại chồng và con trai và thực sự muốn dành cho họ một cái ôm thật chặt, nhưng tôi chọn giữ tất cả trong lòng vì biết rằng mình vẫn cần phải cách ly trong 14 ngày". Mãi cho đến ngày 3/3, Cheng mới rời khỏi phòng và thoải mái ôm chồng con. Người phụ nữ mạnh mẽ cho biết: “Tôi chờ giây phút hạnh phúc và bình yên này rất lâu. Tôi đã dành phần lớn thời gian để dạy con trai tôi bài tập về nhà và đọc sách từ bên kia cánh cửa".
Tương tự trường hợp của cô Cheng, rất nhiều gia đình tại Thái Lan, Canada, Israel... vô cùng hạnh phúc khi được gặp lại nhau sau hơn một tháng xa cách. Họ là những khách du lịch rời tàu Diamond Princess sau hai đợt cách ly để phòng ngừa vi-rút Corona.
Có thể thấy trong mọi hoàn cảnh, gia đình luôn là nơi để bảo vệ, để tìm về và là nguồn động lực lớn lao để con người vượt qua nghịch cảnh. Có thể ở hiện tại, COVID-19 vẫn đang là nỗi lo của toàn cầu nhưng với những sự lựa chọn đúng đắn, mỗi gia đình có thể tự bảo vệ mình, từ đó bảo vệ cộng đồng xung quanh.
Theo Ngọc Hạ/Phu nữ online

>> xem thêm

Bình luận(0)