Đó là thông tin được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế chiều 27/10.
BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC nói: “Nguồn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đều được một đầu mối duy nhất cung cấp là từ Bộ Y tế thông qua văn phòng Dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương”.
|
Bà Lê Hồng Nga cung cấp thông tin về dịch bệnh và vắc xin tại buổi họp báo
|
Trên thực tế, TP HCM đã hết vắc xin sởi từ tháng 5/2022. Hiện nay, thành phố đang đối mặt với nguy cơ thiếu nhiều loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo HCDC, ngoài vắc xin sởi đã hết thì 5 loại vắc xin có nguy cơ thiếu hụt và sẽ hết vào cuối năm nay gồm: DPT (Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván); Viêm não Nhật Bản; Lao; Sởi - Rubella (MR) và DPT-VGB-Hib (SII).
“Từ tháng 5 đến nay, khi vắc xin sởi đơn hết, vắc xin DPT khan hiếm, ngành y tế thành phố đã nhiều lần làm báo cáo gửi ra Bộ Y tế để thông báo về nhu cầu vắc xin cũng như tình trạng thiếu hụt đang diễn ra. Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa nhận được 2 loại vắc xin sởi đơn và DPT” – BS Hồng Nga cho biết.
Liên quan đến tình hình bệnh đậu mùa khỉ, BS Hồng Nga cho biết, ca bệnh thứ hai xuất hiện tại TP HCM không có nguy cơ lây ra cộng đồng. Tuy nhiên, với đặc thù là thành phố có sự giao thương rất lớn với các quốc gia khác, TP HCM vẫn đang đối mặt với nguy cơ xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ ở mức cao.
Ngành y tế thành phố đang tiếp tục chủ động thực hiện các phương án giám sát nguy cơ xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ tại sân bay Tân Sơn Nhất cùng các cửa khẩu quốc tế, bến cảng có tàu hàng nước ngoài và giám sát nguy cơ xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng. Ngoài 2 ca bệnh đã được phát hiện, đến nay thành phố chưa ghi nhận thêm ca bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.