Đa dạng thuốc, tùy người dùng
Tiếp tục trong vai người trồng rau mầm kinh doanh cho các siêu thị, chợ, chúng tôi tới hỏi mua thuốc kích thích rau mầm ở đại lý bán buôn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại TPHCM.
Vừa nghe nói khách cần thuốc kích thích cho rau mầm lên nhanh, bà chủ hàng đại lý D.H. tại chợ Vĩnh Lộc, Bà Điểm, Hóc Môn đưa ra một loạt các loại thuốc có tác dụng kích thích rau mầm như N3M, Boom, Atonik... Tuy nhiên, chủ hàng giới thiệu nước đôi: "Những thuốc này đều kích thích ra rễ cực nhanh cho rau, củ, quả, cây cảnh. Nhưng dùng cho rau mầm hay không thì tùy người sử dụng".
Quan sát nhãn mác một chai hóa chất dạng lỏng có dòng chữ "ra rễ cực mạnh", tên N3B, hướng dẫn công dụng: Kích thích ra rễ cực mạnh, chống rụng hoa, tăng đậu trái, ngâm ủ hạt giống, giâm cành.
|
Một loại thuốc kích thích tăng trưởng là chất lỏng màu đen được giới thiệu có thể sử dụng kích thích rau mầm. |
Trực tiếp liên lạc tới công ty sản xuất sản phẩm N3B, gặp chủ hàng tên Chi. Lúc đầu bà Chi khẳng định: "Dùng được cho rau mầm", nhưng sau lại nói: "Thuốc này chúng tôi mới chỉ khảo nghiệm với cây dài ngày như hạt lúa. Nó nảy rễ nhanh đến chóng mặt. Chưa khảo nghiệm thuốc với rau mầm, giá đỗ. Cũng có khách hàng mua thuốc này để sử dụng kích thích giá đỗ. Phun thuốc này vào rau phát triển nhanh lắm, chỉ 2 - 3 ngày là thu hoạch".
Với hóa chất dạng lỏng kích thích Boom, công dụng phát triển lá, rễ, củ... cũng được giới thiệu kích thích cho rau mầm. Phòng kỹ thuật Công ty TNHH TM-DV Diên Khánh (TPHCM), đơn vị phân phối sản phẩm cho hay: "Thuốc Boom dùng được cho rau mầm với liều lượng nhỏ. Hạt nhú 2 lá thì phun liều nhẹ. Phun chỉ sau 3 ngày là thu hoạch được. Nhưng nên rửa sạch trước khi đóng hộp cung cấp ra thị trường, trước khi ăn. Thuốc được sản xuất thành phần sinh học, không độc hại sức khoẻ!".
Ăn hết 2,5 tạ rau mới độc?
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đất - Phân bón & Môi trường phía Nam, Viện Thổ nhưỡng - Nông hóa Việt Nam khẳng định: Hiện trên thị trường tràn lan các loại thuốc kích thích rau trái, sử dụng sai mục đích thuốc. Tương đồng với các loại thuốc kích thích thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì thuốc được phép bán trên thị trường cũng tuyệt đối không được dùng để kích thích rau mầm. Ví dụ, thuốc kích thích tăng trưởng Boom có hàm lượng nitrophenol nguyên chất trong chai tới 20%. Tuy nó phân hủy nhanh nhưng trong thời gian cách ly quá ngắn từ lúc trồng cho tới lúc thu hoạch như rau mầm thì vẫn tồn dư thuốc.
Bàn về lời nhận xét của một vị quan chức thuộc lĩnh vực BVTV thuộc Hà Nội cho rằng: Đối với những loại thuốc kích thích sinh trưởng trong danh mục thuốc BVTV thì chỉ căn cứ vào độ độc cấp tính LD50. Với chỉ số này, nếu thuốc kích thích tăng trưởng có độc cấp tính thì chỉ khi nào một người mỗi ngày ăn hết 2,5 tạ rau thì mới bị ngộ độc. Nhưng có ai ăn hết 2,5 tạ rau trong 1 ngày không? - TS Đặng Vũ Thị Thanh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững, Hội Khoa học Kỹ thuật BVTV Việt Nam cho hay, ý kiến này chưa khoa học. Bởi mỗi loại thuốc sẽ có hoạt chất, phụ gia khác nhau. Yếu tố chỉ liều lượng đó dựa trên cơ sở thí nghiệm với chuột. Đối với con người, cần căn cứ loại rau này có tồn dư cao hay thấp, độ đào thải của con người thế nào.
"Có những chất sẽ gây ngộ độc cấp tính nhưng cũng có những chất gây ra mạn tính do ăn mỗi ngày mỗi ít. Lúc này, chất độc nếu không đào thải hết ra ngoài sẽ tích lũy trong mô, gan, mỡ. Lâu dần hàm lượng độc cao gây ra các bệnh mạn tính, tổn hại gan, ảnh hưởng sức khoẻ. Vì thế, không thể khuyến cáo, nói một cách qua chuyện như trên", TS Đặng Vũ Thị Thanh nhấn mạnh.
Ăn phải những thực phẩm chứa chất kích thích sinh trưởng hạt gây khả năng tích nước trong người. Ngoài ra, lượng gây độc cho người sẽ tích dần qua thời gian. Thậm chí, sự tích lũy này có thể gây nên các bệnh ung thư, dị dạng thai nhi... cũng giống như trường hợp bị nhiễm chất độc da cam.
TS Phan Thế Đồng (nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông Lâm TPHCM)