Đây là trường hợp tinh hoàn bị ẩn, mắc lại trong ổ bụng 20 năm chứ không ở bìu như người bình thường.
Trước đó, anh N.H.T, 32 tuổi nhập viện trong tình trạng bị đau bụng dưới kéo dài nhưng điều trị nhiều lần không khỏi. Qua xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trong bụng bệnh nhân có một khối u to nằm trong bụng dưới. Bệnh nhân có kể lại, năm 10 tuổi đã đi phẫu thuật đưa tinh hoàn kẹt trong ổ bụng xuống bìu nhưng không thấy xuống.
|
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức |
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu – Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết: "Điều đáng tiếc là lúc đó là bệnh nhân không được cảnh báo nguy cơ ung thư của tinh hoàn nằm trong ổ bụng cao gấp bốn lần so với tinh hoàn nằm trong bìu, do đó mà bệnh nhân không được tiếp tục theo dõi. Cho đến hơn 20 năm sau, khi có triệu chứng đau bụng kéo dài người bệnh mới đi khám thì đã muộn. Kết quả chụp CT bụng cho thấy người bệnh có khối u tinh hoàn nằm trong bụng dưới kích thước đã lên tới 10cm".
|
Khối u được cắt bỏ. |
Theo bác sĩ Đức, khi còn là bào thai, tinh hoàn sẽ tụt xuống bìu từ tuần thứ 29, 30 của thai kỳ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tinh hoàn bị ẩn, mắc lại trong ổ bụng. Tinh hoàn ẩn ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé khi còn nhỏ, nhưng lớn lên thì rất nguy hiểm. Nam giới cần tự khám tinh hoàn của mình hàng ngày, nếu thấy khối cứng bất thường thì phải đến bác sĩ khám điều trị bệnh kịp thời. Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng rất cần thiết.
Bác sĩ Đức khuyến cáo: cha mẹ cần phát hiện và xử lý tinh hoàn ẩn càng sớm càng tốt để tránh gây ung thư cũng như khả năng sinh sản của bé. Nếu phát hiện trẻ bị tinh hoàn ẩn nên đi phẫu thuật từ năm một tuổi, đưa xuống bìu để sản xuất tinh trùng thực hiện chức năng sinh sản ở tuổi trưởng thành. Khi chăm sóc con, nếu các bà mẹ nghi ngờ ở bìu con mình không có hoặc thiếu tinh hoàn thì phải đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ có thể can thiệp kịp thời.