Nắm bắt được nhu cầu chăm sóc da của chị em, thị trường thẩm mỹ đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm làm trắng như xà phòng, thảo dược làm trắng, kem ủ trắng, gel kích trắng, máy hấp trắng.
Cách làm trắng đắt tiền
Một trong những phương pháp được quan tâm nhất hiện nay, cũng là "đứa con cưng" của ngành công nghiệp làm đẹp - tiêm thuốc trắng da bằng Glutathione. Biện pháp này khá phổ biến ở các nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc.
|
Ảnh minh họa. |
Glutathione là gì? Đây là một tripeptid tự nhiên do cơ thể sản xuất, đồng thời cũng có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, ví dụ: bơ, cà chua, măng tây và cam… Mặc dù lượng Glutathione mà chúng cung cấp không đủ để làm trắng, nhưng nó lại góp phần tạo nên một làn da khỏe mạnh.
Trước khi được biết đến như một chất làm trắng da, Glutathione được sử dụng dưới dạng viên uống - chất chống oxy hóa. Nó chiến đấu chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa tình trạng viêm mạn tính. Cơ thể thiếu Glutathione sẽ ảnh hưởng đến tình trạng lão hóa, ung thư, các bệnh lý tim mạch, suy giảm trí nhớ và rối loạn chức năng miễn dịch.
Để được tiêm Glutathione làm trắng da, đa phần, khách hàng phải tìm đến bác sĩ da liễu. Số tiền bỏ ra mỗi lần từ 3-4 triệu đến hơn 10 triệu đồng, 1-2 tuần tiêm 1 lần. Sau 5-7 lần thực hiện liên tục liệu pháp này, làn da sẽ thay đổi tùy theo màu sẵn có.
Hiệu quả thực tế và độ an toàn
Cơ chế làm trắng của Glutathione là tác động lên các tế bào bị hư hại, chống lại việc tạo ra tế bào hắc tố (melanocyte). Vì vậy, nhiều người tìm đến biện pháp này để điều trị nốt ruồi, tàn nhang, màu sắc không đồng đều, đốm nâu, hoặc đơn giản là để làm trắng da toàn thân. Hầu hết khách hàng cho rằng chỉ cần tiêm dưới sự theo dõi của bác sĩ, thuốc đã được đưa trực tiếp vào máu và làm trắng lập tức.
Có hơn 89.000 bài báo y khoa về Glutathione, nhưng rất ít bằng chứng cho thấy sự an toàn và hiệu quả của chất này trong việc làm sáng da.
Nhiều người khẳng định phương pháp này đã thực sự hiệu quả trên chính bản thân họ mà không hề thấy bất kỳ tác dụng phụ nào cả. Tuy nhiên, các nghiên cứu kết luận rằng: "Kết quả của Glutathione trong việc làm sáng màu da mới chỉ thấy ở một nhóm nhỏ đối tượng. An toàn lâu dài vẫn chưa được xác nhận và cần được thử nghiệm lâm sàng rộng rãi hơn".
Đặc biệt, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã không chấp thuận sử dụng Glutathione như là chất làm trắng da. Ngoài ra, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Phillipines từng tuyên bố: “Sự gia tăng đáng báo động trong việc sử dụng Glutathione tiêm tĩnh mạch, như một chất làm trắng da với liều rất cao là không an toàn và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người sử dụng”.
Các phản ứng có hại của tiêm Glutathione để làm trắng đã được báo cáo bao gồm những điều sau đây:
- Dị ứng thuốc, biểu hiện nhẹ là phát ban da, và nặng là hội chứng Steven Johson, thậm chí có khả năng gây tử vong do hội chứng Lyel.
- Nồng độ Glutathione tăng đột ngột trong máu, dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp.
- Nghi ngờ có thể gây rối loạn chức năng thận dẫn đến suy thận.
- Đau bụng nghiêm trọng và tiêu chảy, đặc biệt ở bệnh nhân tiêm glutathione với liều 2 lần/1 tuần đã được báo cáo.
- Một trong những tác dụng phụ có thể gặp là bạc lông - tóc vì màu lông và màu tóc cũng phụ thuộc vào số lượng melanin.
- Bộ kit chích trắng da có chứa Glutathione thường được bán online có thể không vô khuẩn, gây nguy hiểm khi sử dụng. Một trong số này là chỉ đơn giản là glutathione giả nhằm vào một nhóm người tiêu dùng cả tin.
- Kỹ thuật không chính xác trong tiêm tĩnh mạch có thể dẫn đến việc sau đây: Nhiễm trùng tại chỗ tiêm, thuyên tắc mạch máu do có khí trong ống tiêm, sử dụng kim không an toàn có thể dẫn đến việc truyền bệnh viêm gan B và thậm chí cả HIV.
Với những lợi ích không rõ ràng, nguy cơ gây hại, người tiêu dùng nên suy nghĩ cẩn thận trước khi tiến hành làm sáng da bằng cách tiêm Glutathione.