Thú chơi sành điệu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong khi số lượng người hút thuốc trên toàn thế giới đang giảm dần, số lượng người hút vape (thuốc lá điện tử) lại tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu liên tục khẳng định thuốc lá điện tử gây tác hại không kém gì thuốc lá điều truyền thống. Thậm chí một vape có mức nicotine tương đương hai gói thuốc lá.
Do vậy, khi thị trường ra mắt dòng sản phẩm thuốc lá điện tử vitamin với dung dịch hút là các vitamin thay cho thành phần nicotine, nhiều người trẻ hút thuốc lá đã hào hứng đón nhận và đang dần trở nên một thú chơi sành điệu.
|
Thuốc lá điện tử vitamin được cho là cung cấp các vitamin và các thành phần thiên nhiên |
Cấu tạo của thuốc lá điện tử vitamin cũng giống như mọi vape thông thường, gồm một atomiser (cuộn dây sưởi) làm nóng dung dịch hút đến điểm sôi để biến nó thành hơi và được hít qua đầu hút của thiết bị. Các loại thuốc lá điện tử vitamin được cho là sử dụng các loại vitamin A, B2, B6, B12, C, D, E và CoQ10. Thậm chí một số dòng sản phẩm đặc biệt còn quảng cáo bổ sung glycerin thực vật, nước khử ion và chiết xuất hương vị trái cây hữu cơ, hay thậm chí là collagen.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy quảng cáo về những loại thuốc lá điện tử vitamin tạo ra các hương vị thiên nhiên nhờ thành phần thực vật hữu cơ, giúp những người thích hút thuốc vừa thỏa mãn bản thân vừa không gây ảnh hưởng tới gia đình và người xung quanh.
“Không chất gây hại, chỉ chứa các thành phần thiên nhiên”, “cung cấp hương thơm tự nhiên, hơi nước, thành phần thực vật và các vitamin có giá trị”... là những gì được giới thiệu về loại thuốc lá mới này.
Bỏ ra 250.000 – 350.000 đồng cho mỗi vape, tùy theo hãng sản xuất, người hút đã có thể thưởng thức những hương vị độc đáo, có nguồn gốc thiên nhiên với một lượng vitamin nhỏ hấp thu qua khoang miệng. Chắc hẳn trông bạn đã rất sành điệu với thú chơi mới này tuy nhiên, bạn có chắc nó an toàn như quảng cáo?
Nhiều lo ngại
Mới đây, chia sẻ về thuốc lá điện tử vitamin, Tiến sĩ Albert A. Rizzo - cố vấn cấp cao của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ lo ngại: “Cho dù có nicotine hay không, chúng ta không biết chắc về những gì xảy ra khi hóa chất đang nóng lên và hít qua thiết bị vào phổi. Không thể nói chắc rằng không có các hạt và hóa chất khác bị hít vào”.
TS Rizzo cho rằng, việc hít bất cứ một chất nào trực tiếp vào phổi mà không biết những tác động lâu dài của hành động đó thì đều rất đáng lo ngại.
Hơn nữa, các vitamin có thể thay đổi thành phần hóa học của chúng khi bị nung nóng, khiến chúng mất đi tính hiệu lực hoặc làm suy giảm thành chất độc hại, GS James Pankow thuộc Đại học Bang Portland và thành viên ACS cho biết.
Đồng quang điểm, ThS. BS Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, cho rằng về nguyên tắc thuốc lá điện tử cung cấp dạng khói đưa vào đường thở, và bất cứ chất nào ở dạng khói khi hít vào đều ảnh hưởng đến đường hô hấp.
Thuốc lá điện tử chứa nicotine không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn gây tác hại đến nhiều cơ quan khác như hầu họng, chức năng chuyển hóa của cơ thể, hay thậm chí cả sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào khẳng định thuốc lá vitamin này không gây hại cho các cơ quan khác ngoài phổi.
Ngoài ra, hương liệu sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá vitamin liệu có phải là hương liệu tổng hợp hay không, nếu là hương liệu tổng hợp thì khi đốt nóng sự khuếch tán của nó có thể gây hại như thế nào cũng đã được nhiều nghiên cứu khẳng định.
Không phải cách bổ sung vitamin
John Newsam, nhà hóa học của Viện nghiên cứu Tioga (Mỹ) và là thành viên của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) cho rằng hít không phải là cách hiệu quả để bổ sung các loại vitamin, vì qua phương pháp hít các chất này phải ở dạng hạt rất nhỏ để đi sâu vào phổi và tiếp xúc với mạch máu. Do đó, phương pháp hít thường chỉ được sử dụng như một cơ chế phân phối cho các loại thuốc đòi hỏi liều lượng rất nhỏ hoặc nhắm vào phổi, giống như thuốc hít hen suyễn. Đối với các vitamin, liều lượng ít này gần như không có tác dụng.
ThS. BS Nguyễn Thị Phương Anh cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định vitamin có hấp thu được qua đường thở vào máu hay không, và khi một lượng vitamin nhất định đi vào đường thở nếu không được hấp thu vào máu sẽ gây lắng đọng trong đường thở, và hậu quả thế nào thì chưa thể biết được.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các tuyên bố về lợi ích sức khỏe của loại thuốc lá vitamin điện tử này hầu như không đáng tin, bởi lượng vitamin trong mỗi vape cung cấp không dựa trên cơ sở liều lượng khuyến nghị sử dụng của các tổ chức y tế. Ngoài ra, việc bổ sung vitamin cho cơ thể cũng cần được chỉ định của bác sỹ, bởi sự hấp thụ thừa viatmin cũng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.