Nếu bạn đang làm công việc tự do, kiếm tiền dựa trên hoa hồng từ các hợp đồng với khách hàng, hay lớn hơn là tự kinh doanh gì đó thì thu nhập của bạn sẽ không phải một con số ổn định từ tháng này qua tháng nọ.
Mức lương tháng này có thể rất cao, nhưng tháng sau có thể sẽ thấp. Với trường hợp có thu nhập như vậy, cách bạn quản lý tiền và phân bổ số tiền kiếm được cần chặt chẽ và sát sao để đảm bảo các chi phí sinh hoạt trong cuộc sống được đáp ứng.
Tạ Hồng hiện đang làm công việc nhân viên kinh doanh ở Hà Nội cũng có khoản thu nhập không đồng đều mỗi tháng. Việc sắp xếp và cân đối chi tiêu với Hồng cũng là một cách để giúp sinh hoạt gia đình không bị ảnh hưởng.
"Mình là người có thu nhập không ổn định, mỗi tháng 1 lương. Có tháng lương sẽ cao nhưng cũng có tháng lại rất thấp. Vậy nên mình đã hệ thống lại cách quản lý tiền của mình để bớt loay hoay.
Mình thấy phương pháp này có thể hữu ích với cả những ai đang làm công việc kinh doanh tự do hoặc nhận hoa hồng theo sản phẩm như làm sale", Hồng chia sẻ.
Những khó khăn mà Hồng gặp phải
- Không kiểm soát được chi tiêu.
- Không rõ tiền mình đang tiêu là thu nhập của tháng nào.
- Có những lúc rất giàu tiêu rất nhiều, có tháng thì phải chạy vạy vay mượn.
- Tích lũy không đều đặn.
Giải pháp quản lý tiền mà Hồng đang áp dụng và cảm thấy hiệu quả
Bước 1:
Xác định rõ khoản chi của mỗi tháng tối thiểu cần thiết là bao nhiêu. Khoản này sẽ bao gồm các khoản chi tiêu thiết yếu và không thiết yếu.
- Khoản chi tiêu thiết yếu này bao gồm: tiền ăn uống, quần áo thiết yếu, tiền mua nhu yếu phẩm, tiền đi lại, tiền điện nước, tiền chăm sóc cho con cái…
- Khoản chi tiêu không thiết yếu sẽ bao gồm: vui chơi, giải trí, mua sắm những món đồ yêu thích,...
Bước 2:
Xây dựng ra quỹ dự phòng. Khoản tiền này cần đủ chi phí chi tiêu cho gia đình Hồng trong vòng 3 - 6 tháng.
Bước 3:
Tạo 2 tài khoản ngân hàng. Tài khoản số 1 dành cho quỹ dự phòng, tài khoản số 2 dành cho quỹ chi tiêu trong tháng.
Chị Hồng cũng lưu ý thêm: Hiện nay cũng có nhiều ví điện tử nên bạn có thể nạp tiền chi tiêu sang ví điện tử để trả các khoản có thể thanh toán online, không nhất thiết phải mở thêm tài khoản ngân hàng.
Bước 4:
Đây là bước Hồng sẽ rút tiền ra chi tiêu.
Đầu tiên, vào tháng không có thu nhập hoặc có mức thu nhập ít hơn mức chi tiêu thì chuyển đúng số tiền cần thiết từ quỹ dự phòng sang quỹ chi tiêu.
Sau đó vào tháng nhận thu nhập, nộp lại phần tiền đã dùng vào quỹ dự phòng, phần còn lại cho vào đầu tư/tiết kiệm theo mục tiêu khác.
Với giải pháp quản lý tiền theo từng bước này, Hồng sẽ luôn cảm thấy an tâm về tài chính của mình. Không phải lo thiếu trước hụt sau, lúc giàu thì lại tiêu quá đà.
"Mình thấy thu nhập càng không ổn định, bạn càng phải nhìn một bức tranh lớn hơn là tài chính theo năm chứ không nhìn theo tháng như những người làm công ăn lương đều đặn. Từ khi áp dụng theo phương pháp này, mình cảm thấy an tâm hơn trong việc chi tiêu của gia đình, bớt cảm giác lo sợ thiếu trước hụt sau", Hồng chia sẻ.
Dù Hồng cảm thấy đây là phương pháp hiệu quả nhưng những quy tắc trên đây không phải là bất di bất dịch. Tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu mỗi người, mà bạn có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Chúc tất cả mọi người đều có được kế hoạch quản lý tài chính cá nhân luôn hiệu quả và sáng suốt!