Chiều nay, Việt Nam phát hiện thêm bệnh nhân COVID-19 thứ 334 là nam, 29 tuổi, có địa chỉ tại quận Bình Tân, TP HCM. Ngày 14/01/2020 đi du lịch tới Trung Quốc, do dịch bệnh nên bị kẹt không về Việt Nam được.
Ngày 31/5/2020, bệnh nhân từ Hồ Bắc, Trung Quốc đi máy bay đến Nam Ninh, Trung Quốc, sau đó nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh.
Ngay sau khi nhập cảnh (ngày 31/5/2020) bệnh nhân được đưa đến khu cách ly tập trung ở Móng Cái. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 03/06/2020 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Xét nghiệm lần 2 ngày 11/06/2020 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
|
Ảnh minh họa. |
Như vậy, tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 13/6: tròn 58 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 18h ngày 13/6, Việt Nam có tổng cộng 194 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Hôm qua (12/6), Bộ Y tế cũng công bố bệnh nhân thứ 333 là nam, 37 tuổi, có địa chỉ tại Phường 9, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bệnh nhân là thuyền viên trên tàu thủy Pacific Vũng Tàu (loại tàu dịch vụ lai kéo) hoạt động tại Malaysia.
Ngày 30/5/2020 từ Malaysia nhập cảnh tại cảng Vũng Tàu và được chuyển cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Tính đến chiều ngày 13/6, Việt Nam còn 11 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 1 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên. Như vậy, chỉ còn 6 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin từ Tiểu Ban Điều trị cho biết sức khỏe bệnh nhân 91 (phi công người Anh) tiếp tục có thêm những chuyển biến tích cực.
Nam phi công người Anh ngồi xe lăn sưởi nắng vào buổi sáng trước phòng bệnh với sự hỗ trợ của nhân viên y tế
Bệnh nhân hiện đang tập cai máy thở, thời gian bỏ máy tập thở dài hơn, nhưng tối vẫn cần thở máy hỗ trợ để giảm tình trạng yếu cơ. Chức năng thận của bệnh nhân đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt.
Với sự tiến bộ hiện tại của bệnh nhân, có thể thời gian cần cho việc bỏ hoàn toàn máy thở sẽ ngắn hơn như đã tiên lượng trước đó và không cần phải ghép phổi.