Bệnh nhi nhập viện tăng nhanh, gấp 5 lần
Ngày 11/10, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, trong vòng 1 tháng qua, số lượng trẻ nhập viện vì mắc viêm phổi do virus hợp bào hô hấp RSV có xu hướng gia tăng nhanh chóng, chỉ tính riêng trong nửa cuối tháng 9, tỉ lệ bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh lý này đã tăng lên gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Bệnh nhi 15 tháng tuổi này đã điều trị nội trú tại Khoa Hô hấp – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ được 5 ngày với chẩn đoán viêm phổi do virus RSV. Gia đình cho biết trẻ khởi phát bệnh với các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi, 2 ngày sau, trẻ xuất hiện triệu chứng khò khè, ho tăng lên và thở nhanh, gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện.
Hiện tại, sau 5 ngày điều trị, tình trạng của trẻ đã ổn định hơn.
Các bác sĩ cho biết virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt gia tăng nhanh vào thời điểm giao mùa như hiện nay. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh và khiến bệnh trở nặng gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp; trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc có bệnh lý nền.
Đường lây truyền của virus RSV là qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với Dịch mũi, họng ở người bị bệnh như bắt tay, ho hoặc hắt hơi. Do đó, để phòng bệnh cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chú ý vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ đúng lịch – đủ liều.
Khi trẻ có các triệu chứng bệnh cần đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
|
Thăm khám cho trẻ viêm phổi do mắc virus RSV - Ảnh BVCC |
Biểu hiện giống ho nhưng tiến triển đến ngưng thở rất nhanh
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi cho biết, virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa thu – đông hoặc xuân – hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).
Trẻ bị nhiễm virus RSV thường có những dấu hiệu khởi phát là các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi… Nhưng bệnh tiến triển nhanh, đến giai đoạn toàn phát trẻ khò khè, ho, thở nhanh. Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở...
Bệnh trở nặng và nguy hiểm ở những trẻ:
- Trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi.
- Trẻ có bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi.
- Bệnh phổi mãn tính: Loạn sản phế quản phổi, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị bệnh lý thần kinh cơ
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, virus hợp bào hô hấp lây lan rất nhanh, chỉ sau virus cúm. Đường lây truyền: qua giọt bắn và dịch tiết của đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi, chảy mũi, hoặc tiếp xúc trực tiếp như tiếp xúc dịch tiết hô hấp trên các bề mặt.
Vì vậy, khi nhập viện, trẻ được cách ly tại các phòng bệnh riêng biệt và được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế: Thông thoáng đường thở; Hỗ trợ hô hấp khi cần; Đảm bảo chế độ dinh dưỡng; Chăm sóc toàn diện.
Để phòng bệnh, theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, ngay từ khi mang thai, cần chăm sóc bà mẹ, để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân và khỏe mạnh. Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi.
Cho trẻ ăn dặm đúng phương pháp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Môi trường sống của trẻ trong lành, không có khói, bụi, khói thuốc lá.
- Vệ sinh mũi họng thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lí (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lí.
- Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường,
- Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc đêm lạnh, nếu bắt buộc ra ngoài phải đeo khẩu trang, giữ ấm cho trẻ.
- Hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Đối với trẻ lớn, thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Tiêm văcxin phòng bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Dấu hiệu cần đến viện ngay
Theo TS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại Việt Nam, bệnh do RSV bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè. Nhiễm trùng RSV có thể gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng, từ triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh đến các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè do virus.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn tới tử vong.
Cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua:
• Nhiễm bẩn bởi các giọt bắn có chứa virus RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng.
• Tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt bị nhiễm bẩn có chứa virus hoặc quần áo, vật dụng của người bị bệnh, bàn tay người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
• Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm RSV thông qua thơm hôn hoặc mớm thức ăn...
TS.BS Thúy lưu ý: Đối tượng nhiễm RSV có nguy cơ bệnh tiến triển nặng bao gồm: Trẻ sinh non;Trẻ sơ sinh (dưới 6 tháng tuổi); Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh;Trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch; Người cao tuổi, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên; Người bị hen suyễn, suy tim sung huyết, mắc bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc biệt là bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); Người bị suy giảm miễn dịch, người ghép tạng, ung thư máu hoặc HIV/AIDS.
Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần chú ý, nếu có một trong các dấu hiệu sau cần cho trẻ đi khám ngay:
- Sốt nhẹ, sốt cao hoặc không sốt kèm
- Ho, khò khè, hắt hơi
- Giảm hoặc bỏ ăn bú
- Chảy nước mũi trong
- Triệu chứng khó thở: Thở nhanh , thở co lõm ngực
Trẻ cần nhập viện điều trị:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi.
- Có yếu tố nguy cơ: suy dinh dưỡng, bệnh tim, sinh non, bệnh phổi mạn .
- Có dấu hiệu nguy hiểm: tím tái, cơn ngưng thở, bỏ bú hoặc bú kém (trẻ nhỏ hơn 2 tháng), không uống được (trẻ trên 2 tháng), li bì – khó đánh thức, co giật, suy dinh dưỡng nặng.
- SpO2 giảm, Thở co lõm ngực, thở nhanh (trên 70 lần / phút).
- Có dấu hiệu mất nước.
Biện pháp hạn chế lây nhiễm RSV:
- Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh. Cha mẹ, người lớn cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ bị ốm khác...
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch.
- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống với những người có các triệu chứng giống như cảm lạnh.
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa và thiết bị di động...
- Khi trẻ bị bệnh nên cách ly và chăm sóc trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho công cộng.