Hơn 1 năm, cùng con gái chiến đấu với căn bệnh ung thư máu quái ác, không ít lần chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (27 tuổi) và anh Nguyễn Trọng Việt (28 tuổi) ở Rạch Giá (Kiên Giang) phải đưa tay quệt dòng nước mắt lăn dài trên gò má.
Con gái anh chị sinh ngày 20/3/2017, được đặt tên là Nguyễn Ngọc An Nhiên, mang ý hi vọng con sẽ luôn bình an, hạnh phúc. Vậy mà, mới 1 tuổi, sóng gió đã đổ ập xuống cuộc đời bé.
|
Bé An Nhiên bụ bẫm, kháu khỉnh trước khi phát bệnh. |
Ngày 16/3/2018, An Nhiên bị ngã, bố mẹ đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị xuất huyết nhỏ dưới màng cứng, giảm tiểu cầu. Họ chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) điều trị.
Chẳng ngờ, kết quả xét nghiệm máu như tiếng sét ngang tai. Bác sĩ gọi vợ chồng chị Ngọc vào thông báo, con gái bé bỏng của anh chị mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp.
Nhìn con vật lộn, giành giật sự sống với tử thần từng ngày, vợ chồng chị Ngọc dốc hết sức lực, níu giữ con lại. 6 lần hóa trị suốt 8 tháng ròng, các tế bào ung thư bị đẩy lùi nhưng niềm vui đó chưa được bao lâu thì tiểu cầu của con bắt đầu giảm, các tế bào ung thư bùng phát trở lại, tấn công cơ thể con mạnh mẽ hơn.
Ở tuổi lên 2, nhẽ ra con được ra ngoài chơi đùa, học hát, học múa, thay vào đó con làm bạn với những mũi kim tiêm, dây truyền và mùi thuốc trong bệnh viện. Chưa kể những lần chọc tủy, đau đến khóc thét.
2 tuổi, con chập chững những bước đi đầu tiên trên giường bệnh. Để rồi mỗi lần tỉnh táo, con đòi ra thế giới bao la ngoài kia chơi, cảm nhận ánh nắng ban mai.
|
Cô bé thiêm thiếp sau đợt truyền hóa chất. |
Các bác sĩ khuyên vợ chồng chị Ngọc, thử đưa con sang nước ngoài, biết đâu có cơ hội cứu chữa.
‘Sau khi bệnh tái phát, bác sĩ cho con nhập viện, chọc tủy. Lúc này, bác sĩ nói, phương pháp tốt nhất cho con là ghép tủy. Trước khi ghép sẽ truyền một liều hóa chất cực mạnh, ổn định sẽ tiến hành ghép tủy. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chỉ ghép cho các bé từ 3 tuổi trở lên. Vì vậy, bác sĩ khuyên vợ chồng tôi đưa con sang nước ngoài điều trị, ghép tủy’, chị Ngọc chia sẻ.
Từ ngày bé An Nhiên phát bệnh, hai vợ chồng chị Ngọc xin nghỉ không lương, dành thời gian chăm sóc con. Nhìn con thiêm thiếp giữa những cơn đau, những trận sốt triền miên, trái tim chị Ngọc tưởng chừng vỡ vụn ra hàng trăm mảnh. Con vẫn kiên cường lắm, lẽ nào vợ chồng chị chịu đầu hàng số phận?
Theo lời khuyên của bác sĩ, vợ chồng chị đã bán tất cả những thứ có giá trị, lặn lội ôm con sang bệnh viện Yanda (Bắc Kinh, Trung Quốc) quyết tâm tìm hi vọng cho An Nhiên.
Bác sĩ ở bệnh viện nói, con anh chị vẫn còn cơ hội sống, chỉ có điều, chi phí quá lớn, khoảng 6 tỷ đồng. Nếu không can thiệp kịp thời, tính mạng con cùng lắm là duy trì được 1 tháng.
Gạt mọi tự trọng của bản thân, chị Ngọc lên tiếng nhờ các mạnh thường quân, các nhóm thiện nguyện giúp đỡ. Với sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp, mọi người biết đến trường hợp của An Nhiên, chung tay giúp con vượt qua tháng ngày bạo bệnh.
Chị Nguyễn Thùy Dương - dì ruột bé An Nhiên cho biết thêm: ‘Ban đầu bác sĩ viện Nhi đồng 2 liên hệ với 3 bệnh viện ở Thái Lan, Trung Quốc và Singapore. Bác sĩ cũng muốn đưa bé qua Singapore chạy chữa. Tuy nhiên, chi phí bên đó quá cao nên gia đình lựa chọn bệnh viện Yanda. Phía bệnh viện đưa ra chi phí điều trị dự kiến là 6 tỷ nhưng có thể phát sinh cao hơn.
10 ngày nay, bác sĩ cho con truyền hóa chất để đẩy lùi tế bào nên con bị sốt khá cao, có lúc lên tới 40 độ C, ăn uống kém. Ngày 16/7 tới, con được chọc tủy, xem có đáp ứng thuốc hay không. Nếu ổn định, con sẽ được ghép tủy sớm nhất có thể'.
'Sau khi câu chuyện của con được cộng đồng biết đến, nhiều người đã dốc lòng ủng hộ con chữa bệnh. Ông bà ngoại cũng vừa bán mảnh đất dưới quê, gom góp gửi sang cho cháu. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ số tiền quyên góp và tiền bán đất mới hơn 4 tỷ, chưa đủ để con ghép tủy…’, chị Dương nghẹn ngào nói.
Tâm thư của người mẹ
Suốt hành trình dìu bước con qua ải tử thần, chị Ngọc thức trắng nhiều đêm. Chị sợ nhắm mắt vào là vuột mất An Nhiên khỏi tầm tay. Những đêm dài nối tiếp nhau trôi qua, chị gửi gắm tâm tư vào từng dòng chữ, động viên mình và con cùng cố gắng.
‘Thói quen của mẹ mỗi khi mở máy tính lên làm việc, việc đầu tiên là mở tin tức lên đọc. Giật mình khi thấy tin viết về con. Thật sự mẹ không hề nghĩ đến 1 ngày nào đó gia đình mình lại trên mặt báo như thế này.
Đọc tới đâu mẹ nghẹn đi tới đó. Cả một quê hương đang hướng về gia đình nhỏ của con đấy bé con..!
Sau này lớn lên con phải trở thành một người có ích cho xã hội con nhé. Mẹ luôn tin sẽ có phép màu con à. Vì bé con của mẹ là một thiên thần mạnh mẽ, con sẽ không khuất phục trước số phận một cách dễ dàng như vậy đâu đúng không nào? Gia đình mình sẽ vượt qua tất cả. Mẹ luôn tin là vậy.
Hôm nay con bắt đầu sốt, sốt cả ngày 38,7 - 39 độ, nôn ói mà con cực kì ngoan. Ngay cả người lớn mình mà sốt đã thấy buồn bực, khó chịu trong người rồi huống chi con chỉ là đứa bé 2 tuổi.
Mẹ cảm nhận như con biết được mọi việc, con rất giỏi và kiên cường. Chăm con bệnh nhưng không cực tí nào vì con thấu hiểu được tất cả, con ít khóc.
Chỉ những cơn đau nhức về đêm khiến con không thể chịu được thì con mới ôm chân và thốt lên tiếng ‘Mẹ ơi! con đau ...’.
Từ nhỏ con đã rất ngoan, chỉ cần mẹ pha thuốc thì con đưa tay ra ‘Mẹ để Mũm cầm cho’ và ngoan ngoãn uống hết chỗ thuốc ấy. Bây giờ cũng vậy con cũng tự cầm máy xông thuốc, không cần mẹ cầm. An nhiên ơi! Sao con bản lĩnh thế.
Trước khi đi ngủ mẹ hay dặn ‘Con ngủ ngoan đi, gắng mau hết bệnh mẹ dẫn con đi chơi nhé!’. Con hồn nhiên trả lời ‘Về nhà nha mẹ’. Con chỉ mới 2 tuổi nhưng khác với mọi em bé khác. Tuổi thơ con ‘khoá trái’ nơi giường bệnh nên con thèm khát chỉ là về nhà. Chứ không phải như bao bạn cùng lứa tuổi chỉ thích đi chơi. Thương con!
|
An Nhiên trong phòng cách ly khi điều trị ở Việt Nam. |
Những đớn đau dày vò thân xác bé bỏng rồi ngày mai sẽ tốt hơn thôi con phải cố gắng hết mình. Hạnh phúc là ở phía trước chúng ta cùng nhau đi con nhé! Sắp tới rồi ! Con gái à. Cố lên!
Mẹ không rơi giọt nước mắt nào trước mặt con. Mẹ không dám khóc. Nếu con gái mẹ nhìn thấy nước mắt của mẹ thì liệu An Nhiên của mẹ có vui không? Mẹ muốn khóc, muốn khóc rất nhiều nhưng mẹ không thể...
Mọi sự nỗ lực của gia đình mình cũng đã được đền đáp xứng đáng, mọi người đang chung tay giúp con. Mẹ thấy cuộc đời con như được sinh ra lần thứ 2. Con không phải chỉ là con của ba mẹ nữa mà là của cả xã hội, của cả cộng đồng’.