Theo các chuyên gia, giai đoạn 5 năm đầu hôn nhân được xem là giai đoạn chông chênh nhất. Giai đoạn mà giới tâm lý thường gọi đó là giai đoạn khủng hoảng, giai đoạn vỡ mộng trong hôn nhân. Vỡ mộng về tính cách, vỡ mộng về cách ứng xử và vỡ mộng cả về… tình cảm của người bạn đời.
Sở dĩ gọi đây là giai đoạn “vỡ mộng” của một cuộc hôn nhân là bởi các cặp vợ chồng dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng khi mới về chung sống cùng nhau. Hụt hẫng vì bị “rơi” từ giấc mơ của những người đang yêu xuống thực tế của một cuộc sống chung với bao nhiêu chi tiết đời thường trần trụi. Hụt hẫng còn vì họ chưa được chuẩn bị tâm thế cho cuộc sống chung.
Dưới đây là một vài lí do khiến các cặp vợ chồng thường “vỡ mộng” sau khi kết hôn.
Lộ những thói xấu
Khi còn trong giai đoạn tìm hiểu và yêu nhau, các cặp đôi thường khó nhận thấy nhược điểm cũng như thói xấu của người kia. Bởi phần lớn họ chỉ thể hiện những điều tốt đẹp để ghi điểm, “lấy lòng” nửa kia. Hơn nữa, trong giai đoạn hẹn hò, các cặp đôi chỉ có một khoảng thời gian nhất định ở bên nhau, vì thế các thói quen, tật xấu ít có cơ hội bộc lộ.
|
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, khi đã về chung một nhà thì phần thói xấu của từng người dần dần lộ ra: lười nhác, xuề xòa trong ăn mặc, hay tụ tập bạn bè, nói nhiều, ích kỷ, nóng nảy, không biết nhường nhịn... Trên thực tế, đã không ít người "choáng váng" vì những tật xấu “bỗng nhiên xuất hiện” ở nửa kia vốn hoàn hảo của mình. Và dĩ nhiên, hình ảnh hoàn hảo, lấp lánh một thời về người đó lúc này bỗng vỡ vụn.
Áp lực về tài chính
Tài chính là một trong những vấn đề khiến nhiều cặp đôi dễ trở nên căng thẳng, xung đột với nhau trong hôn nhân. Bởi khi kết hôn, sẽ có rất nhiều vấn đề mà các cặp đôi phải sử dụng đến nguồn tài chính tích lũy của cả hai. Từ các khoản tiền chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày, việc thăm hỏi gia đình nội ngoại, họ hàng, đến việc mua nhà, đổi xe… sẽ khiến cho các cặp vợ chồng lúc nào cũng thấy quay cuồng vì thiếu tiền.
Va chạm, mâu thuẫn khi sống chung với các thành viên trong gia đình chồng hoặc vợ
Va chạm, mâu thuẫn của các thành viên khi sống chung trong gia đình chồng hoặc vợ là điều có thể xảy ra với bất kì ai, và vào bất kì thời điểm nào. Việc khác nhau về tính cách, thói quen, nhu cầu, sở thích, lối suy nghĩ do độ tuổi giữa các thành viên trong gia đình là các nguyên nhân thường gây ra mâu thuẫn. Điều quan trọng là khi khúc mắc xảy ra, chúng ta biết cách xử lí và hoà giải êm thấm mọi việc. Điều này nói thì dễ nhưng làm lại không dễ chút nào.
Chính vì ngại các mâu thuẫn sẽ xảy ra khi sống chung với gia đình chồng hoặc vợ, đa số các cặp vợ chồng trẻ ở Việt Nam đều mong muốn có một căn nhà riêng sau khi kết hôn, để cùng xây dựng tổ ấm bắt đầu cho cuộc sống hôn nhân.