Ngày 10-11, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết loại "thuốc làm từ thịt người” được nhắc đến trong công văn mới đây của Bộ Y tế không được làm từ thịt người như nhiều người nghĩ mà thực chất được làm từ nhau thai.
Ông Đông cũng cho hay theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, Việt Nam hiện cấm sản xuất, lưu hành thuốc làm từ nhau thai người. Nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy. Vấn đề này đã được Cục Quản lý dược ra công văn cấm sản xuất, kinh doanh từ năm 2015.
Nhau thai trong y học Trung Quốc được gọi là tử hà sa, có vị mặn, ngọt, nóng, tác dụng bổ dương, tốt cho tim, gan, phổi, thận. Ở những phụ nữ khỏe mạnh, sau khi họ sinh con các bà đỡ sẽ lấy bánh nhau tươi, cắt bỏ dây rốn và bóc màng ối, rửa sạch rồi có thể nấu ăn hoặc hấp rồi sấy khô làm thuốc.
|
Ảnh minh họa |
“Từ đó mới xuất hiện những loại thuốc mang tên “viên nang làm từ thịt người”. Tuy nhiên, theo quan điểm của Đông y, ngay cả trong các sách cổ từ xa xưa, chúng tôi cũng không nghe nhắc đến việc dùng thịt người làm thuốc”, TS-BS Trần Thái Hà – Trưởng khoa Lão, BV Y học cổ truyền Trung ương, nói.
Lược lại lịch sử về loại thuốc “làm từ thịt người”, PGS, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức cho biết cách đây khá lâu, Việt Nam có sử dụng thuốc bào chế từ nhau thai. Đó là thuốc bổ Filatov, bào chế theo phương pháp của một bác sĩ người Nga.
Theo phương pháp này, khi một tổ chức sống của động vật bị cắt rời khỏi cơ thể (như nhau thai) và được bảo quản trong điều kiện không thuận lợi cho sự sống (nhiệt độ thấp 2-4 độ C), tổ chức ấy sẽ tìm cách thích nghi với nghịch cảnh bằng cách tiết ra những chất kích thích gọi là biostimulin (kích sinh tố). Nếu đưa biostimulin vào cơ thể người bằng cách uống hay tiêm sẽ kích thích các phản ứng sinh học, thúc đẩy các quá trình chuyển hóa thuận lợi, làm tăng sự đề kháng, bồi dưỡng các chức năng sinh lý, chống lại sự xâm nhập của bệnh tật.
Thời đó, nhiều bệnh viện phụ sản ở nước ta đã tận dụng, dùng nhau thai của phụ nữ mới sinh xong bào chế thành thuốc uống và thuốc tiêm Filatov. Điều rất rõ là chế phẩm Filatov từ nhau thai là bộ phận nuôi sống, cung cấp chất dinh dưỡng hỗn hợp cần thiết cho thai nhi, vì vậy nó chứa các chất bổ dưỡng như: nhiều loại acid amin, các acid béo thiết yếu, nhiều vitamin và chất khoáng…
Cho tới nay, bản chất của các biostimulin vẫn chưa được biết đầy đủ. Việc sử dụng chế phẩm Filatov làm từ nhau thai người cũng “giữa đường gãy gánh”, không sản xuất nữa vì các giá trị tôn giáo, văn hóa, đạo đức và cả giá trị khoa học. Hiện các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu như: nhau thai người, gan thận súc vật… (phương pháp trị liệu này gọi là tạng phủ trị liệu) đã được thế giới khuyến cáo không sử dụng. Lý do là không có bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh tác dụng một cách rõ ràng mà nguy cơ lây nhiễm bệnh lại rất lớn.
Tử hà sa được chế biến từ nhau thai người khô hoặc biến thành bột dùng hiện nay được xem là một loại thuốc bổ Đông y. Theo y học cổ truyền thì nhau thai có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh suy nhược, gầy yếu, di tinh, liệt dương, phụ nữ thiếu máu, muộn con, thiếu sữa sau khi sinh nở… Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh các công dụng vừa kể của tử hà sa ngoại trừ tác dụng của nó với chứng suy nhược.
BS Đức cũng cảnh báo, tử hà sa bán trên thị trường không có nguồn gốc rõ ràng có nguy cơ rất lớn là mang mầm bệnh. Nhau thai nằm trong một cơ thể sống, mà bất cứ cơ thể sống nào là người cũng có thể nhiễm các bệnh truyền nhiễm do siêu vi, vi khuẩn, ký sinh trùng… Nếu nó không được kiểm tra, chế biến trong điều kiện vô trùng đều có nguy cơ chứa mầm bệnh. Việc dùng nhau thai người rất nguy hiểm vì có thể bị lây nhiễm các bệnh gây khủng hoảng toàn cầu như HIV, viêm gan B và C.
Tử hà sa có chữa được viêm tai giữa?
Hiện nay trên các diễn đàn, nhiều người truyền nhau thông tin đi mua tử hà sa đốt và thổi vào lỗ tai, lỗ mũi để chữa viêm tai giữa. Trước thông tin này, thầy thuốc Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, khuyến cáo người dân không nên tin tưởng những lời đồn đại chưa xác thực trên mạng.