Kết quả kiểm nghiệm đối với mẫu sản phẩm Sữa rửa mặt hạt nghệ ngừa mụn của Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo (địa chỉ: số 241 Bis Cách Mạng Tháng Tám, P. 4, Q. 3, TP HCM) cho thấy mẫu thử không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Dựa trên kết quả này, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã ra thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc lô sản phẩm Sữa rửa mặt hạt nghệ ngừa mụn - Số lô: 06021802/SNNM; ngày sản xuất: 06/02/18; hạn dùng: 06/02/21; Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 001204/16/CBMP-HCM do Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
|
Lô sản phẩm Sữa rửa mặt hạt nghệ ngừa mụn không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm. |
Lý giải về việc có sự xuất hiện vi sinh vật với hàm lượng vượt ngưỡng qui định trong mỹ phẩm như trường hợp SRM hạt nghệ ngừa mụn Lan Hảo, bà Đỗ Anh Thư, Giám đốc Đào tạo, Trung tâm Nghiên cứu mỹ phẩm Grandpa’s Garden, cho biết “lỗi” không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm có thể do bất cứ khâu nào trong quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm; và nhà sản xuất phải có trách nhiệm kiểm soát tất cả các khâu để đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Theo yêu cầu về ngưỡng vi sinh vật an toàn trong sản phẩm mỹ phẩm, thì những sản phẩm dùng cho các vùng niêm mạc và mắt có yêu cầu tương tự sản phẩm mỹ phẩm dành cho trẻ dưới 3 tuổi, nghĩa là tổng số lượng vi sinh vật tối đa là 500 đơn vị khuẩn lạc CFU/g. Đối với các sản phẩm dùng cho vùng da thường và dùng cho trẻ trên 3 tuổi thì con số này là 1.000 CFU/g. Trong đó, có 4 loại vi sinh vật tuyệt đối không được phép có mặt là Candida albicans; Staphylococcus aureus (S. aureus); Pseudomonas aeruginosa; và Escherichia coli (E. coli).
Cụ thể, Candida albicans là một loại nấm men gây nhiễm trùng nấm men, một dạng bệnh nhiễm trùng có thể gây tổn thương đến bộ phận sinh dục, miệng, da và máu.
Staphylococcus aureus (S. aureus – vi khuẩn tụ cầu vàng/ tụ cầu khuẩn) là một chủng vi khuẩn thường gặp trên da hoặc niêm mạc mũi của 30% những người khỏe mạnh. Thông thường vi khuẩn không gây hại nhưng khi da bị tổn thương, trầy xước, tụ cầu khuẩn xâm nhập cơ thể và có thể gây ra một loạt các vấn đề từ nổi mụn nhẹ đến nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là ở trẻ em, người già, và những người có hệ miễn dịch yếu.
Pseudomonas aeruginosa (Trực khuẩn mủ xanh) là một vi khuẩn phổ biến gây bệnh ở động vật và con người. Nó được tìm thấy khắp mọi nơi, kể cả trong môi trường tự nhiên và nhân tạo. Nhờ khả năng thích ứng tốt, vi khuẩn này có thể lây nhiễm và phá hủy các mô của người bị suy giảm hệ miễn dịch. Triệu chứng chung của việc lây nhiễm thông thường là gây ra viêm nhiễm. P. aeruginosa thường gây nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiết niệu, các vết bỏng, vết thương, và còn gây ra nhiễm trùng huyết.
E.Coli là vi khuẩn đại tràng, sống trong đường tiêu hoá của động vật và người. Đa số chúng là vô hại, nhưng có một vài loại đặc biệt, chẳng hạn nhóm vi khuẩn Ecoli EHCE, có vi khuẩn E Coli 0157:H7 có thể gây nhiễm trùng nặng dẫn đến tình trạng bị tiêu chảy, đau bụng và sốt cao. Trẻ nhỏ và người lớn tuổi hay phụ nữ mang thai, người có sức đề kháng yếu khi nhiễm khuẩn có thể nguy hiểm, dẫn đến suy thận, rối loạn máu, nặng hơn có thể gây tử vong
Với những tác hại đáng sợ đó, 4 loại vi sinh vật này tuyệt đối không được phép có mặt trong mỹ phẩm.
Ngay cả khi đảm bảo không có 4 loại vi sinh vật này, thì sản phẩm Sữa rửa mặt hạt nghệ ngừa mụn của mỹ phẩm Thorakao - Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo nếu không đáp ứng yêu cầu về giới hạn số lượng lạc khuẩn với các chủng vi khuẩn khác cũng vi phạm qui định yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Việc tồn tại vi sinh vật, vi khuẩn quá giới hạn cho phép trong các sản phẩm mỹ phẩm vô cùng nguy hại. Bản thân sản phẩm mỹ phẩm như sữa rửa mặt có môi trường ẩm, là điều kiện cho vi khuẩn phát triển tăng sinh. Chưa kể khi mở sản phẩm tiếp xúc với không khí, và trong quá trình sử dụng sản phẩm, vi sinh vật, vi khuẩn luôn có điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh chóng.
Các sản phẩm này đều tiếp xúc trực tiếp với da mặt nên có thể khiến da nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi tiếp xúc với các vùng niêm mạc, vết xước, vết thương hở trên da. Nhiễm khuẩn là nguyên nhân sinh mụn, ngứa, sưng đỏ, kích thích dị ứng,… làm tổn hại da. Các trường hợp nhiễm khuẩn nặng thậm chí có thể ngấm qua da, vào máu ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.