Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 6/1 đến 16h ngày 7/1, Việt Nam ghi nhận 16.278 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 16.254 ca ghi nhận trong nước tại 59 tỉnh, thành phố (có 11.423 ca trong cộng đồng).
Dù số ca mắc cả nước có xu hướng giảm ngày thứ 3 liên tiếp (giảm 163 ca so với ngày trước đó), dịch COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố vẫn rất phức tạp như Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa…
Hà Nội có hơn 28.000 F0 đang được cách ly tại nhà
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 7/12, thành phố ghi nhận 2.725 ca nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn. Trong số này, 655 trường hợp được phát hiện ở cộng đồng, nhóm còn lại đã cách ly.
Một số khu vực có nhiều F0 trong ngày là Hoàng Mai (213), Hà Đông (196), Cầu Giấy (156), Bắc Từ Liêm (145), Gia Lâm (138)... Trong làn sóng dịch lần thứ 4, thành phố đã xác định tổng cộng 65.356 ca mắc COVID-19.
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội
Hà Nội đã vượt qua kỷ lục về số ca mắc COVID-19 được ghi nhận trong 24 giờ của ngày trước đó (2.716 trong ngày 6/1). Đây cũng là ngày thứ 6 liên tiếp thành phố ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội mới nhất, thành phố đang điều trị cho 38.038 người mắc COVID-19. Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (123), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (215), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.656), cơ sở thu dung của thành phố (1.414), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.378). Ngoài ra, 28.252 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Mặt khác, theo báo cáo của các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã gửi về CDC Hà Nội, thành phố đã tiêm được tổng cộng 12.941.275 mũi vaccine phòng bệnh COVID-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 198.953, mũi nhắc lại là 807.032.
Báo cáo tại buổi làm việc trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Hà Nội sáng 7/1, Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho hay số ca nhiễm trong những ngày qua của thành phố tăng rất nhanh, trung bình hơn 2.000 ca/ngày. Đến nay, thành phố đã ghi nhận 211 người tử vong vì COVID-19 tại đợt dịch thứ 4 (tính từ tháng 4/2021).
Theo ông Cương, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Tuy nhiên, hệ thống y tế các tuyến đang chịu rất nhiều áp lực về quản lý, tiếp nhận, điều trị. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng sẽ tạo gánh nặng lên hệ thống y tế và số bệnh nhân chuyển nặng, tử vong cũng tăng theo.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu sở, ngành và đơn vị giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, rà soát ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron; tăng cường thành lập mới trạm y tế lưu động; không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý F0.
Các quận huyện, xã phường cần đẩy nhanh rà soát, vận động, tiêm chủng cho gần 15.000 người trên 50 tuổi có bệnh nền chưa được tiêm vaccine; mua sắm trang thiết bị phòng dịch.
Số ca mắc mới tại TP.HCM giảm mạnh
Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy trong ngày 7/11, TP.HCM chỉ ghi nhận 489 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và xếp thứ 10 cả nước. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp thành phố có số ca mắc mới dưới 500 người.
Đây là tín hiệu rất lạc quan đối với TP.HCM sau khi từng có thời điểm ghi nhận hàng nghìn ca mắc mỗi ngày trong giai đoạn cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021.
Chiều 7/1, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết cơ quan này đã phối hợp với các sở, ngành để đề xuất hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế 1,5 triệu đồng/người dịp Tết Nhâm Dần 2022. UBND TP.HCM và các sở, ngành có liên quan đang họp để quyết định.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM đang kiểm tra, giám sát mức chi hỗ trợ phòng, chống dịch, phụ cấp cho nhân viên y tế. Các nơi chậm chi trả sẽ được kiểm tra để giải quyết ráo riết cho cán bộ, nhân viên y tế.
Bà Mai cho biết hiện nay, TP.HCM cố gắng kiểm soát ca nhiễm Omicron, chưa phát hiện ca trong cộng đồng. Các đối tượng đi kèm với ca mắc Omicron đã được truy vết và xét nghiệm, qua nhiều ngày chưa phát hiện F1 dương tính.
Để đối phó với Omicron, Sở Y tế có hướng dẫn chuyên môn để ứng phó với chủng mới Omicron từ khi phát hiện đến khi cách ly, truy vết và phòng ngừa có F0 trong trường học.
“Trường học đã có bộ tiêu chí an toàn và được áp dụng nghiêm ngặt. Quy trình xử lý F0 cũng đang được áp dụng rất tốt trong trường học, đúng quy định và không có sự lây nhiễm trong cộng đồng. Phụ huynh có thể yên tâm là trẻ em phải an toàn mới đến trường và ở trường thì phải an toàn”, bà Mai thông tin.
Về tình hình tiêm vaccine, đến 6/1, TP.HCM đã tiêm 369.110 mũi bổ sung và 2.012.171 mũi nhắc lại. Như vậy, tổng cộng hơn 2,3 triệu liều vaccine COVID-19 mũi 3 đã được tiêm.
Trả lời Zing về tiến độ tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại) của thành phố, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đến hết tháng 1/2022, thành phố còn 4 triệu mũi cần tiêm. Hiện, trung bình mỗi ngày, TP.HCM tiêm gần 300.000 liều vaccine.
Với tiến độ này, ông Tâm nhận định chắc chắn TP.HCM sẽ tiêm xong mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi trước Tết Nhâm Dần 2022.
Về 25.000 người thuộc nhóm nguy cơ, TP.HCM mới tiêm được hơn một nửa trong số này, ông Tâm cho biết nhóm này đa số là trường hợp lớn tuổi, có bệnh nền, không đi lại được và phải tiêm tại nhà. Ngành y tế phải điều tra, lập danh sách khá tốn thời gian. Vì vậy, ông Tâm cho hay sau khi danh sách hoàn thiện mới có thể tập trung tiêm, sắp tới, tiến độ sẽ khả quan.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm ngành y tế đã tiêm được 13.874/25.333 liều cho nhóm này, đạt tỷ lệ 54,8%. Bên cạnh đó, trong 2 đợt rà soát, thành phố có trên 5.000 F0, những người này chưa thể tiêm ngay mà phải chờ xuất viện, một số người không đồng ý tiêm vaccine.
Để giải quyết bài toán này, bà Mai cho biết UBND TP.HCM có chỉ đạo các đơn vị rà soát người nào đủ điều kiện trong nhóm nguy cơ có thể tiêm thì tổ chức tiêm nhanh tại nhà.
“Hội nhà thuốc trẻ thành phố đã thành lập nhóm đến các quận, huyện có số lượng bà con chưa tiêm vaccine để vận động. Ngày đầu, lực lượng đã tiêm được 400 mũi cho bà con tại nhà”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.
Số ca nhiễm nCoV ở nhiều địa phương tăng
Số người dương tính với SARS-CoV-2 tại Hải Phòng trong thời gian qua có chiều hướng tăng cao. Tính từ 18h ngày 6/1 đến 18h ngày 7/1, Sở Y tế TP Hải Phòng báo cáo 795 ca nhiễm mới.
Theo thống kê, TP Hải Phòng đã thực hiện hơn 3,3 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong đó, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã đủ 2 liều vaccine là 98,89%; tỷ lệ này ở nhóm trẻ 12-17 tuổi là 99,98%.
Đến nay, toàn thành phố có 5.744 người khỏi COVID-19; 8.084 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có 14 người nặng và nguy kịch, gần 10 ca thở máy.
Liên quan biến chủng Omicron, UBND Hải Phòng đã yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi thống nhất về quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, bố trí phòng cách ly tạm thời chờ xe cấp cứu 115 đón vào cơ sở cách ly, điều trị F0 theo quy định và lấy mẫu chuyển ngay Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (CDC) làm xét nghiệm rRT-PCR.
Sau khi có kết quả dương tính, CDC Hải Phòng phải gửi giải trình tự gene để phát hiện biến chủng Omicron và xử lý triệt để.
Thành phố cũng sẽ thiết lập khu vực test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; xét nghiệm toàn bộ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng Omicron; hành khách phải tự chi trả chi phí xét nghiệm test nhanh.
Từ 17h ngày 6/1 đến 17h ngày 7/1, Khánh Hòa ghi nhận 790 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2. Nhiều ngày qua, tỉnh Khánh Hòa tăng vọt số ca bệnh COVID-19 mới trong ngày.
Mặc dù các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai mạnh, một số trường học ở Khánh Hòa thường xuyên diễn ra cảnh phụ huynh tụ tập đông người chờ đón con em tan học. Có những điểm trường, người lẫn xe tràn cả ra lòng đường. Hiện toàn tỉnh còn điều trị 4.382 bệnh nhân COVID-19.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, 113,57% người dân trên 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được bao phủ 2 mũi vaccine (bao gồm người từ địa phương khác tới).
Tỉnh Bình Phước trong ngày 7/1 cũng ghi nhận 716 ca mắc COVID-19 và đứng thứ 4 cả nước. Số ca mắc mới của địa phương này trong thời gian gần đây cũng thường xuyên dao động ở ngưỡng 600-700 ca/ngày. Ngày 31/12, số ca mắc mới của Bình Phước thậm chí vượt 1.000 trường hợp.
Ngày 7/1, UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày).
UBND tỉnh giao Sở Y tế phối hợp với các đơn vị bố trí địa điểm lưu trú, làm việc riêng biệt, đảm bảo giám sát y tế, không tiếp xúc cộng đồng trong quá trình làm việc của người nhập cảnh ngắn ngày và người tiếp xúc.
Bình Phương đến nay cũng đã bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh COVID-19 cho 100% người dân trên 18 tuổi.
Cần làm rõ kết quả nghiên cứu vaccine trong nước
Mới đây, tại buổi thảo luận của Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, phức tạp. Để các chính sách tài chính và tiền tệ phát huy giá trị thì việc quan trọng nhất là sống chung an toàn với dịch. Do đó, cần tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng, y tế, mua vaccine.
Đại biểu Thái Bình nhấn mạnh việc nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước là trách nhiệm của Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng bảo đảm bảo an ninh y tế lâu dài. “Tôi cho rằng cần làm rõ kết quả nghiên cứu vaccine trong nước”, ông Nguyễn Văn Huy nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ chiều 4/1, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cũng đặt vấn đề cần thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Ông cho rằng năm 2022 cần khoảng 175 triệu liều vaccine nên việc mua trên thế giới rất khó khăn.
“Phải ưu tiên khuyến khích làm vaccine trong nước thật sớm”, ông Nhân đề xuất.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 9 loại vaccine. Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước, hiện có các ứng viên vaccine như Nano Covax, Covivac, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vaccine do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển.
Hồi tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định việc thúc đẩy sản xuất vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam.
Ông giao Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương rà soát lại, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất thuốc và vaccine trong nước.
Vaccine Nano Covax vẫn đang chờ cấp phép khẩn. Công ty Nanogen cùng các đơn vị liên quan đến vaccine đang khẩn trương hoàn tất báo cáo bổ sung theo Công văn số 1652/BYT-K2ĐT ngày 21/11/2021 của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.