TP.HCM đã triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng dập dịch, lấy mẫu xét nghiệm khẩn khi nhận thông tin ca mắc mới.
Ngành y tế TP đang chuẩn bị kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm đợt 3. Hiện TP đã nhận 70.000 liều vaccice phòng chống COVID-19.
Gần 300.000 người TP.HCM liên quan ổ dịch nhóm truyền giáo
Đến ngày 3-6, TP.HCM đã lấy mẫu 299.157 người, trong đó 4.241 F1, 294.916 người tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm, liên quan ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong số tiếp xúc gần đã có 259 mẫu cho kết quả dương tính được Bộ Y tế công bố bệnh nhân (BN).
Trong nửa tháng qua, TP.HCM ghi nhận 268 ca COVID-19 (đã được công bố), hiện đứng thứ tư cả nước về số ca COVID-19 cộng đồng trong đợt dịch này. Trong đó, ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng lớn nhất từ trước đến nay, được phát hiện từ ngày 26-5.
Ổ dịch này đã gây nên ba nhánh lây nhiễm từ 20 ca trở lên, ngoài ra còn nhiều nhánh nhỏ hơn khác. 21/22 quận, huyện (trừ huyện Cần Giờ) tại TP.HCM và sáu tỉnh miền Nam (gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu) ghi nhận các ca mắc liên quan ổ dịch hội truyền giáo.
HCDC nhận định TP có thể xuất hiện những ca nhiễm không rõ nguồn gốc trong cộng đồng do dịch bệnh đã âm thầm lây lan.
|
Binh chủng Hóa học phun thuốc hóa học khu vực phong tỏa đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
|
123 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng, bảy ca nguy kịch
Nếu trước đây, BN mắc COVID-19 nặng chủ yếu ở người có bệnh nền thì trong đợt dịch lần này, virus SARS-CoV-2 tấn công cả những người trẻ. Nhiều BN chỉ mới 22, 25 tuổi nguy kịch sau vài ngày mắc bệnh.
Thông tin trên được đưa tại buổi hội chẩn BN nặng trên toàn quốc của Tiểu ban điều trị COVID-19 ngày 3-6.
Thông tin tại cuộc họp cho biết cả nước đang điều trị cho hơn 4.500 BN COVID-19 tại 97 cơ sở y tế. Trong đó, 123 BN tiên lượng nặng, 100 BN nặng thở ôxy; 29 BN nặng, thở máy không xâm nhập; 29 ca nguy kịch, phải thở máy xâm nhập; bảy ca nguy kịch ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).
Theo đánh giá chung của Tiểu ban điều trị, trong đợt dịch này, nhiều BN trẻ tuổi, không có bệnh nền diễn biến tăng nặng nhanh, có nhiều trường hợp nguy kịch.
Đơn cử như BN7117, 23 tuổi, ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Ngày 25-5, BN xuất hiện sốt 40 độ C, khó thở, tự mua thuốc uống không đỡ khiến khó thở ngày càng tăng dần. Ảnh chụp siêu âm thấy mờ lan tỏa hai phổi, được chẩn đoán viêm phổi nặng.
Bảy ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, BN dương tính với SARS-CoV-2. Đánh giá ngày 3-6 cho thấy tình trạng BN nặng, phải lọc máu, tiếp tục an thần giãn cơ, thở máy. Sáng 3-6, siêu âm phổi cho hình ảnh đông đặc thùy dưới hai phổi. BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến các chuyên gia trong tổ hội chẩn xem xét đặt ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể), tiếp tục thở máy, lọc máu, chống đông, cân bằng điện giải, dinh dưỡng.
Trường hợp trẻ tuổi thứ hai là BN7445, nam sinh viên 22 tuổi, quê Long An, đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
BN này tổn thương phổi rất nặng (đông đặc phổi trái nhiều hơn phải) với hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), tổn thương gan nặng. Các bác sĩ đang hỗ trợ cho BN thở máy, lọc máu và ECMO. Hình ảnh siêu âm tim, phổi cho thấy BN đông đặc phổi, có xẹp phổi, giãn thất phải.
Lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đánh giá BN không thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng có thể do độc tính của virus khiến tình trạng sức khỏe diễn biến xấu rất nhanh. Đáng chú ý, BN bị mắc bệnh béo phì, nặng 110 kg.
Các chuyên gia đánh giá bệnh án của BN7445 rất khó, nếu nam thanh niên chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM trễ hơn một chút là có thể đã nguy kịch hơn. Tình trạng nghiêm trọng không kém gì trường hợp BN phi công người Anh (BN91).
Theo TS-BS Đỗ Ngọc Sơn, Trung tâm cấp cứu A9 BV Bạch Mai (đang có mặt tại tỉnh Bắc Giang), cho biết hiện có nhiều BN cần hỗ trợ về hô hấp và tuần hoàn, trong đó tại BV Phổi Bắc Giang có một ca đang phải chạy ECMO và một ca đang thở máy chức năng cao, một số BN thở ôxy.
BS Sơn cho biết dự kiến tuần tới sẽ có nhiều ca chuyển biến nặng. Ông giải thích: Đợt dịch này có nhiều BN trẻ, không có bệnh lý nền chuyển nặng phần lớn là do chủng virus lần này có động lực rất cao, dễ gây tổn thương toàn bộ phổi của BN và diễn biến rất nhanh chóng, tính theo từng giờ. Ngoài việc tổn thương phổi, virus còn gây tổn thương các cơ quan khác, dẫn đến BN dễ nguy kịch và tử vong.