Tôi năm nay 28 tuổi, đã có kinh nghiệm làm việc văn phòng được mấy năm. Tính tôi không ưa xê dịch nên từ khi ra trường tới giờ, tôi vẫn chung thủy với một nơi. Sếp đánh giá cao năng lực của tôi nên khá cất nhắc, đưa vào nhóm trợ lý chuyên theo dõi và ký kết hợp đồng.
Công việc đang ngon lành thì bất ngờ tổng công ty thay đổi người, sếp cũ bị điều đi mở văn phòng mới. Lúc đầu, chúng tôi nghe nói khu vực của mình sẽ do một sếp nữ đảm nhiệm, nhưng không ngờ lại đổi thành sếp nam ngoài 30 tuổi, đã thế lại còn rất trẻ trung và sành điệu.
|
Ảnh minh họa: P.K |
Ngay ngày đầu tiên ra mắt văn phòng, sếp mới đã tỏ ra không hài lòng với nhóm trợ lý chúng tôi. Quan điểm của sếp là nhóm trợ lý đi ký hợp đồng cần phải có nhan sắc trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc phải có gu, sành điệu, hấp dẫn. Nhóm trợ lý hiện tại, theo sếp mới, không được điểm gì.
Sếp quyết định cải tổ nhóm trợ lý, điều chuyển gần hết nhân sự cũ sang bộ phận khác, rồi tuyển người mới vào thay thế, toàn là các cô gái trẻ, đẹp. Tôi là người duy nhất không bị điều đi do đang theo nhiều dự án lớn, nhưng sau tôi lại trở thành tâm điểm châm chọc của sếp mới.
Ban đầu, sếp mới còn ra vẻ tế nhị, khuyên tôi lưu ý tới cân nặng để mặc váy ngắn cho hấp dẫn, thay vì mặc đồ văn phòng cứng nhắc. Sau dần, sếp ‘nâng cấp’ những lời chê bai, nhiều khi thẳng thừng tới mức xúc phạm, nào là chưa tới 30, chưa chồng mà béo quá, áo mặc chật cứng…
Có những lần sếp mới nói những câu làm tôi chỉ muốn òa khóc. Sếp nhìn chòng chọc vào người tôi, rồi bảo “sao giống chân giò quá vậy?”. Hoặc có lần sếp đứng gần, vỗ bốp vào mông tôi rồi bảo “đi máy bay chắc phải mua 2 vé nhỉ, mông to thế này ngồi 1 ghế làm sao đủ”…
Trước đây, sếp cũ không bao giờ có thái độ khiếm nhã như vậy, mà chỉ nhìn vào trình độ và năng lực của chúng tôi. Đi làm bao năm qua, dù thân hình không đẹp như người mẫu, nhưng các hợp đồng tôi thu về cho công ty đều có giá trị lớn và được đánh giá cao.
Tôi không phải là không muốn có cơ thể gọn gàng để ăn mặc đẹp hơn, nhưng do cơ địa, tôi ăn kiêng mấy cũng không thay đổi nhiều hơn được. Huống hồ, gần đây tôi phát hiện mình bị bệnh về tuyến giáp. Tôi không muốn nói ra bệnh của mình, tôi không muốn bị thương hại.
Lúc trước, mỗi ngày đi làm với tôi là một ngày vui, vì được làm việc trong một môi trường thoải mái, nhìn nhận bằng năng lực. Còn giờ, đến công sở, tôi phải cố nép mình để tránh trở thành đề tài đàm tiếu của sếp, không lại phải nghe câu: “hôm qua lại được đi ăn cỗ à”…
Nhiều hôm đi làm về, tôi lại nghĩ hay nghỉ quách chỗ này đi, rồi tìm chỗ mới. Nhưng rồi, cũng vì cái thói quen không muốn nhảy việc, tôi lại tự tìm cách an ủi mình rằng không cần để ý tới những lời châm chọc của sếp, miễn là kết quả cuối năm vẫn tốt.
Nhiều chị em trong văn phòng cũng trở thành nạn nhân của sếp vì "cái tội" béo hoặc gày. Béo thì bị chê bai giống như tôi, còn gày thì sếp nói “như que củi”, “màn hình phẳng”, “cá rô đực”… Nhưng vì làm việc trong nhóm trợ lý, ngày nào cũng phải đối mặt với sếp vài lần, nên tôi bị chê nhiều hơn cả.
Thời gian gần đây, sếp thẳng tay gạt tôi ra khỏi những dự án lớn, trong đó có những dự án tôi theo đã lâu, chuẩn bị bước vào giai đoạn ký hợp đồng chính thức. Sếp nói cần đẩy nhanh việc ký hợp đồng, nên đưa vào những nhân viên “có khả năng thu hút, hấp dẫn” đối tác.
Sếp giao cho đội nữ trẻ đẹp, đưa đối tác đi ăn uống để ký hợp đồng. Là người làm việc lâu với những đối tác này, tôi thừa biết cách tiếp cận đó không hiệu quả nên góp ý, nhưng sếp mặc kệ. Các trợ lý mới dù trẻ trung, nhan sắc nhưng non kinh nghiệm, nên nhiều dự án tới phút cuối vuột khỏi tay.
Là người làm trong công ty, tất nhiên, tôi không thấy hả hê chút nào.
Mới đây, tôi đi ăn cùng bạn thời đại học, vô tình gặp lại sếp trước đây. Anh ấy nói sắp về tổng công ty, lên chức vì thành tích tốt ở cả văn phòng cũ và mới. Anh ấy hỏi tôi dạo này thế nào, sao có vẻ không được vui. Tôi tồng tộc nói ra tất cả những bức xúc của mình về cách làm việc của sếp mới.
Nghe xong câu chuyện của tôi, sếp cũ bảo “em có thể tố cáo cậu ấy, cái cậu ấy làm là miệt thị hình thể, một dạng quấy rối tình dục nơi công sở. Chưa kể, cách cậu ta làm cũng gây tổn thất cho lợi ích của tổng công ty.
Nếu tổng công ty biết được lý do mất hợp đồng là vì kiểu làm việc của cậu ta, thì chắc chắn cậu ta sẽ bị phạt. Còn nếu em không thích, thì sang bên anh. Tháng nữa, anh mới chuyển lên tổng công ty, anh sẽ sắp xếp cho em một chỗ bên văn phòng này. Anh đánh giá cao năng lực của em”.
Tôi thực lòng giận sếp mới, nhưng không muốn chuyển đi. Tôi cũng không muốn tố cáo sếp mới với tổng công ty. Tôi định là vài bữa nữa sẽ nói chuyện thẳng thắn với sếp mới về vụ miệt thị hình thể. Nếu sếp mới vẫn tiếp tục, tôi sẽ nghỉ việc hoặc chọn cách tố cáo.
Thực sự, tôi đang rất rối. Không biết sếp mới có chịu nghe lời tôi nói hay không. Nếu không nghe, liệu tôi có đủ dũng khí tố cáo anh ấy với cấp trên hay chọn cách lẳng lặng ra đi hay không. Các bạn cho tôi một lời khuyên với.