Mãi đến khi vào trường y, Narong Khuntikeo, bác sĩ phẫu thuật gan, mới phát hiện nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư gan đã cướp đi mạng sống của bố mẹ anh chính đến từ bữa trưa của họ.
Giống như hàng triệu người Thái ở khắp vùng nông thôn đông bắc, gia đình anh thường ăn món gỏi cá koi pla, một món ăn địa phương làm từ cá sống xay với gia vị và chanh.
Dù ngon rẻ và chế biến nhanh, AFP cho biết cá sống chính là ổ chứa ký sinh trùng gây bệnh ung thư gan giết chết 20.000 người Thái mỗi năm.
|
Cá sống bắt lên từ một vùng hồ ở đông bắc Thái Lan. Ảnh: AFP. |
“Sát thủ thầm lặng”
Người dân vùng Isaan rộng lớn và nghèo khó ở Thái Lan đã ăn koi pla suốt nhiều thế hệ qua. Hiện nay, nơi đây được ghi nhận là vùng có nhiều ca ung thư đường mật (CCA) nhất thế giới.
Một trong những nguyên nhân gây ra CCA là một loài trùng ký sinh, hay sán lá gan, chỉ có ở khu vực sông Mekong và được tìm thấy trong nhiều loại cá nước ngọt.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi vào cơ thể người, sán có thể ẩn mình trong đường dẫn mật suốt nhiều năm liền, gây sưng tấy và qua thời gian có thể phát sinh ung thư.
“Đây là một gánh nặng lớn về sức khỏe… Nó ảnh hưởng đến các gia đình, sự phát triển giáo dục và kinh tế xã hội,” AFP dẫn lời bác sĩ Khuntikeo nói. “Nhưng không ai biết điều này vì họ chết trong yên lặng, như chiếc lá lìa cành".
Sau khi chứng kiến hàng trăm trường hợp vô vọng vì ung thư giai đoạn cuối, Khuntikeo đang tập hợp các nhà khoa học, bác sĩ và nhà nhân chủng học để tấn công tận gốc “sát thủ thầm lặng” này.
Nhóm của anh đang tản ra khắp các tỉnh ở Isaan để soi sán lá gan cho dân làng và cảnh báo họ về sự nguy hiểm của koi pla cũng như những món cá ướp khác.
Sự tiện lợi và số phận
Nhiều dân làng đã sốc khi biết món cá được truyền qua nhiều thế hệ của mình lại là một mối nguy hại.
Những người khác lại quyết định duy trì thói quen ăn uống này bởi sự tiện lợi mà nó mang lại. Họ chỉ cần bắt một con cá dưới ao ngay rìa đồng lúa là có ngay một bữa ăn trưa.
“Tôi thường ra đây bắt cá dưới ao và ăn sống,” Boonliang Konghakot, một nông dân ở tỉnh Khon Kaen, vừa nói vừa rắc gia vị vào một bát cá mới được cắt lát rất khéo.
Từ khi biết về bệnh ung thư đường mật, ông đã bắt đầu chiên chín món cá để tiêu diệt ký sinh. Đây là một phương pháp được nhiều bác sĩ kiến nghị. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng thay đổi.
Nhiều dân làng than phiền rằng nấu chín cá sẽ tạo ra vị chua. Họ chỉ nhún vai gạt lời cảnh báo đi và nói rằng số phận của họ đã được định đoạt từ trước. Đó cũng là một quan niệm phổ biến ở quốc gia Phật giáo này, cho rằng nghiệp sẽ chi phối mọi việc trong cuộc đời chúng ta.
Phát hiện bệnh từ sớm
Khi đề cập đến việc thay đổi thói quen ăn uống, các viên chức ngành y tế đang đặt hy vọng vào thế hệ tiếp theo bằng cách sử dụng hoạt hình để dạy trẻ em về các rủi ro khi ăn đồ sống.
Đối với người già, mục tiêu là phát hiện bệnh trước khi quá muộn. Khuntikeo và nhóm nghiên cứu của anh đã phát triển các phương pháp kiểm tra nước tiểu để dò tìm ký sinh trùng, vốn đã lây nhiễm đến 80% ở một số nhóm người tại Isaan.
Họ cũng đã dành 4 năm đưa các máy siêu âm tới kiểm tra gan cho những dân làng sống xa các bệnh viện công.
Một sáng kiến có tên CASCAP (Chương trình Chăm sóc và Theo dõi Bệnh ung thư đường mật) đã bắt đầu được nghiên cứu ở Đại học Khon Kaen. Năm 2016, chính phủ Thái Lan đã ủng hộ sáng kiến này bằng cách đưa nó vào chương trình nghị sự quốc gia.
Thanin Wongseeda, một trong 500 người xếp hàng chờ được xét nghiệm trong buổi kiểm tra gần đây ở tỉnh Kalasin, cho biết, “Tôi chưa từng đi kiểm tra, nên tôi nghĩ chắc là tôi có mắc bệnh đó vì tôi đã ăn koi pla từ nhỏ.”
Wongseeda thuộc nhóm rủi ro cao: trên 40 tuổi, từng ăn cá sống và có thành viên trong gia đình bị ung thư đường mật. Một phần ba trong số họ có các triệu chứng gan bất thường và bốn người bị nghi mắc ung thư.
Cuối cùng, Wongseeda là một trong số những người may mắn khi ra khỏi phòng siêu âm với vẻ nhẹ nhõm. “Tôi nghĩ tôi sẽ không ăn koi pla sống nữa,” anh nói.
"Còn các hàng xóm của anh?". “Họ sẽ không từ bỏ dễ dàng đâu", người đàn ông cho biết.