|
Sáng 23/9: Gần 35,7 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm; Đã thấy 'ánh sáng cuối đường hầm'? Bao giờ nên cấp 'thẻ xanh Covid'? . (Nguồn: NLĐ) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 718.963 ca nhiễm, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.306 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 714.497 ca, trong đó có 482.083 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 17/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum.
+ Cao Bằng là tỉnh duy nhất kể từ đầu đại dịch đến nay chưa ghi nhận ca mắc Covid-19.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (353.655), Bình Dương (187.493), Đồng Nai (42.362), Long An (31.041), Tiền Giang (13.464).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 11.919
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 487.262
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.991 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.185
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 837
- Thở máy không xâm lấn: 164
- Thở máy xâm lấn: 773
- ECMO: 32
Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 236 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (181), Bình Dương (37), Tiền Giang (3), Bình Thuận (3), Long An (3), Cần Thơ (2), Đồng Nai (2), Đắk Nông (1), An Giang (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 227 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.781 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 175.593 xét nghiệm cho 431.636 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.211.798 mẫu cho 49.735.296 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19
Trong ngày 21/9 có 616.590 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 35.675.840 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 28.745.680 liều, tiêm mũi 2 là 6.930.160 liều.
Đã thấy ánh sáng nơi cuối đường hầm?
Sáng 22/9, Đoàn Công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP. Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đầu, đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 của BV Bạch Mai tại TP. Hồ Chí Minh, BV dã chiến số 16 (do BV Hùng Vương phụ trách) và Trạm Y tế lưu động tại phường 11, quận Phú Nhuận.
Sau khi nghe báo cáo từ các bệnh viện, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã bày tỏ xúc động trước tinh thần quyết tâm trụ vững, đẩy lùi dịch bệnh của các thầy thuốc tuyến đầu.
"Có lẽ, tới thời điểm này, chúng ta đã bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống", Thứ trưởng nói.
Đề xuất đi làm theo giờ để hạn chế lây lan dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh
Ngày 22/9, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM - ký công văn số 3720, đề xuất cán bộ, công chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền… lưu thông từ nhà đến trụ sở làm việc theo 2 khung giờ để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Cụ thể, thời gian lưu thông buổi sáng từ 6h30-8h, buổi chiều từ 16h30-18h, trên tuyến đường lưu thông từ nơi ở đến trụ sở làm việc.
Đề xuất này nhằm hạn chế thủ tục cấp đổi giấy đi đường, lạm dụng giấy đi đường để lưu thông không đúng mục đích, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh và gây quá tải hệ thống y tế.
Các trường hợp lưu thông thực hiện nhiệm vụ ngoài khung giờ và tuyến đường vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp. Trường hợp đổi ca, bị nhiễm Covid-19 thì đổi giấy. Trường hợp đặc biệt do yêu cầu công việc cần lưu thông thì công an thành phố xem xét cấp bổ sung giấy đi đường và xem xét giải quyết từng đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức khi đi đường phải được tiêm 2 mũi vaccine, gia đình không thuộc vùng phong tỏa, cách ly và thực hiện khai báo y tế trên phần mềm VNEID của Bộ Công an ở nhà trước khi lưu thông.
Hà Nội không nên nóng vội cấp "thẻ xanh Covid"?
Tại cuộc họp Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội diễn ra chiều 22/9, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh đánh giá thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch, những ngày gần đây tỷ lệ mắc rất thấp.
Tuy nhiên, ông Hạnh nhận định trong thời gian tới thành phố vẫn còn xuất hiện các F0 trong cộng đồng. Vì vậy, ông cho rằng việc kiên quyết xử lý dứt điểm các ổ dịch là hết sức quan trọng; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, thành phố phải chủ động đánh giá nguy cơ, giao Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm, tập trung vào những đối tượng ho, sốt trong cộng đồng; những đối tượng nguy cơ cao và những khu vực có nguy cơ cao (khu vực ổ dịch cũ, các khu công nghiệp) và kế hoạch này cần thực hiện và đánh giá 2 tuần một lần.
Liên quan đến vấn đề "thẻ xanh" đối với người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Trong khi đó, người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn bị mắc Covid-19, do đó không nên chủ quan.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đến thời điểm này dịch bệnh tại Hà Nội không bùng phát đã là một thành công.
Tuy nhiên, để trở về "zero Covid" là rất khó, bởi dịch vẫn còn lẩn khuất trong cộng đồng, đã xâm nhập vào các chuỗi như lái xe, shipper… Hơn nữa, tình hình dịch trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp.
PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ thêm là sau khi tiêm một mũi vaccine thì miễn dịch còn kém. Chỉ đến khi tiêm đủ 2 mũi mới đủ miễn dịch nhưng điều này cũng chỉ giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ trở nặng chứ không đảm bảo hoàn toàn không lây nhiễm. Đặc biệt, khả năng truyền bệnh giữa người tiêm và chưa tiêm là giống nhau, vẫn có nguy cơ lây nhiễm cho trẻ em, người già, người có bệnh nền...
Trước ý kiến Hà Nội nên nghiên cứu cấp thẻ xanh cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine, ông Phu cho rằng Hà Nội không nên nóng vội, cần cân nhắc kỹ lưỡng để giữ vững thành quả phòng, chống dịch.