Sản phụ mắc hội chứng tim cực hiếm gặp và hành trình vượt “quỷ môn quan”

Google News

Nhập viện cấp cứu vì “thai hành” chị D. mới được phát hiện mắc bệnh tim hiếm gặp. Chị phải trải qua hai cuộc đại phẫu, sau gần 1 tháng chỉ được gặp con 2 lần, nhưng với chị, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến.
 

Bệnh hiếm gặp
Viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa phối hợp liên chuyên khoa giữa khoa Phẫu thuật Tim mạch và khoa Phụ sản để hội chẩn và phẫu thuật thành công sản phụ bị hội chứng Marfan hiếm gặp. Chị Nguyễn Thị Đ., 33 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM mang thai 33 tuần 5 ngày, xuất hiện triệu chứng khó thở, thường xuyên ngất xỉu. Đi khám thai tại bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh tim nên chuyển sang viện Tim 115. Các bác sĩ tại đây đề nghị chuyển sang bệnh viện Đại học Y Dược, bệnh viện có thế mạnh trong phối hợp liên chuyên khoa để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị bóc tách động mạch chủ ngực type A bán cấp, phình gốc động mạch chủ, hở van động mạch chủ nặng type I, hội chứng tim hiếm gặp Marfan, thai 33 tuần 5 ngày, chậm tăng trưởng... Các bác sĩ nhận định đây là một ca khó, cần phối hợp liên chuyên khoa để điều trị. Vấn đề đặt ra cho bác sĩ là nên mổ tim trước hay mổ bắt thai trước. Vì thai nhi là thai non 33 tuần và hiện trong tình trạng suy dinh dưỡng, khó thích nghi với môi trường bên ngoài. Nếu bắt thai sớm, động mạch chủ của mẹ đang trong tình trạng bán cấp, trong lúc phẫu thuật bắt con có thể xảy ra nhiều rủi ro.
San phu mac hoi chung tim cuc hiem gap va hanh trinh vuot “quy mon quan”
Ảnh minh hoạ. 
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc trung tâm Tim mạch, trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, bệnh viện Đại học Y Dược nhận định: “Bóc tách động mạch chủ là một cấp cứu ngoại khoa rất gấp, nếu không xử lý kịp chỗ bóc tách sẽ bị vỡ vào khoang tim, khoang ngực gây chảy máu, mất máu, gây áp lực lên tim không co bóp được và người bệnh sẽ tử vong. Trường hợp này vì người mẹ mang thai nên bệnh lý của người mẹ có thể ảnh hưởng đến tính mạng hai mẹ con.
Trường hợp bất khả kháng có thể hy sinh mẹ hoặc con”. Sau khi tiến hành hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai ra trước rồi sau đó tiến hành phẫu thuật động mạch cho người mẹ. TS.BS Trần Nhật Thăng cùng ê- kíp khoa Sản phụ, bệnh viện Đại học Y Dược thực hiện mổ bắt con cho sản phụ tại phòng mổ tim. Quá trình mổ thành công, một bé gái nặng 1,8kg chào đời được chuyển về phòng dưỡng nhi. Sau đó, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định cùng ê- kíp khoa Phẫu thuật Tim mạch thực hiện cuộc đại phẫu cho bệnh nhân (thực hiện thay gốc động mạch chủ, đặt sten graft động mạch chủ ngực xuống), ca phẫu thuật thành công tốt đẹp.
Theo PGS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc bệnh viện Đại học Y Dược, chìa khóa thành công của ca bệnh chính là sự phối liên chuyên khoa nhịp nhàng và hiệu quả trong bệnh viện. Tiếp đó nhờ bệnh nhân được chuyển kịp thời đến bệnh viện đa khoa có chuyên môn sâu... TS.BS Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản, bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, về phương diện sản khoa cũng như chẩn đoán trước sinh, không nên lơ là trong việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân cũng như trước khi mang thai. Việc thăm khám sớm giúp chẩn đoán sớm yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng sức khỏe cả mẹ và bé.
Gia cảnh khó khăn
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, chị Đ. cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, chị cùng chồng lên TP.HCM làm công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận. “Mỗi tháng, lương công nhân có 5 triệu đồng, nên khi nhập viện, tôi đắn đo mãi. Vì nghe nói nhập viện tại bệnh viện Đại học Y Dược chi phí đắt đỏ lắm, không theo kịp. Thế rồi, bác sĩ Định khuyên tôi nên nhập viện, vì bệnh của tôi rất nguy hiểm, nếu không theo dõi, phẫu thuật kịp thời sẽ ảnh hưởng tính mạng 2 mẹ con. Đến bây giờ, tôi vẫn không ngờ mình còn sống sót, con mình khỏe mạnh”, chị Đ. kể.
Cũng theo chị Đ., chị không hề biết mình mắc bệnh tim bẩm sinh. Chị Đ. chia sẻ: “Từ lúc mang thai, tầm hơn 10 tuần, tôi thường khó thở, mệt, và ngất xỉu. Tôi cứ nghĩ mình bị “thai hành” nên mới thế. Cho đến khi thai 33 tuần, tình trạng mệt mỏi, khó thở lại tái diễn, khiến tôi lo lắng, khám thai tại bệnh viện Từ Dũ thì bác sĩ nghi ngờ tôi bị tim nên mới đề nghị tôi chuyển viện. Điều đáng nói, trước khi sang bệnh viện Đại học Y Dược, một bệnh viện lớn tại TP.HCM cũng không phát hiện ra bệnh của tôi”.
Xúc động trước việc được bác sĩ cứu hai mẹ con, chị Đ. nghẹn ngào: “Trước khi nhập viện tôi chỉ mang theo 9 triệu đồng. Với chi phí hơn 200 triệu đồng (đã trừ bảo hiểm –PV), đó là số tiền rất lớn, nhưng bệnh viện vẫn cứu sống mẹ con tôi. Khi nghe bác sĩ khuyên, “chị cứ nhập viện, điều quan trọng phải cứu chữa cho chị và em bé” tôi rất xúc động. Giờ mẹ con tôi đều đã ổn định, tôi rất biết ơn các bác sĩ”. Chị Đ. cho biết thêm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị phải vay mượn để thanh toán tiền viện phí.
Hiện số tiền nợ 140 triệu đồng, chỉ mong sao khỏe mạnh để có thể làm việc và trả lại số tiền nói trên. Theo đánh giá của TS.BS Trần Nhật Thăng: “Đây là trường hợp thai kỳ vừa non tháng, vừa chậm tăng trưởng mạn tính kéo dài, vì vậy, khi em bé sinh ra cũng có những khó khăn trong thích nghi với cuộc sống sau sinh. Xét về tình trạng của người mẹ tại thời điểm đó, nếu không mổ lấy thai thì những biến chứng của bóc tách động mạch có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng người mẹ”.
Theo LÀNH NGUYỄN/ Đời sống Pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)