Theo bác sĩ Hoàng Sầm, Viện trưởng Viện Y học Bản địa Việt Nam, mỡ lợn là chất béo động vật và có tác dụng với sức khỏe của cơ thể. Nhưng hiện nay, người dân Việt Nam đang sợ mỡ lợn và chuyển sang ăn dầu thực vật thay thế. Thậm chí, có nhiều quan điểm đổ lỗi mỡ lợn chính là tác nhân gây ra bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu nên họ loại bỏ thực phẩm này ra khỏi thực đơn hàng ngày.
Thực tế, mỡ lợn cũng góp phần cung cấp năng lượng sống cho cơ thể, tạo hình tế bào và thực hiện một số chức năng sinh học quan trọng của cơ thể con người. Mỡ lợn chứa khoảng 40% chất béo bão hòa, khoảng 50-60% chất béo không bão hòa đơn và khoảng 10% chất béo không bão hòa đa, có tác dụng làm bền vững các mao mạch máu, phòng các bệnh về tai biến và các bệnh về tim mạch.
Một ngày, nhu cầu ăn của bạn cần khoảng 20-30% chất béo trong đó người béo được khuyến cáo ăn ít mỡ hơn, người gầy ăn nhiều hơn. Mỗi gram chất béo sẽ đốt cháy và giải phóng 9 calo. Vì thế, thức ăn giàu lipid là nguồn năng lượng tốt cho người lao động nặng nhọc, người ốm dậy cần phục hồi sức khỏe. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng cần thiết bổ sung chất béo để có sự đồng hóa sinh trưởng.
Khi chất béo vào cơ thể, nó còn tích lũy dưới da và các phủ tạng bảo vệ, đệm lót, giữ cho cơ thể hạn chế các tác động bất lợi của môi trường bên ngoài như nóng, lạnh, giảm tác hại của các chấn thương cơ giới. Vì lý do này, những người gầy thường kém chịu đựng với sự thay đổi của thời tiết, sức đề kháng cũng yếu hơn.
Bác sĩ Sầm cho rằng trong chế độ ăn hằng ngày cần cân bằng cả dầu thực vật và mỡ. Dầu thực vật không đủ mức cholesterol và phosphatide cho nhu cầu của cơ thể nên cần phải ăn cân đối dầu mỡ hàng ngày. Các nhà khoa học đã tính toán người trưởng thành bình thường, tỷ lệ dầu mỡ là 50:50, trẻ dưới 10 tuổi nên sử dụng mỡ và dầu tỷ lệ 70:30. Ngược lại, người cao tuổi sẽ sử dụng lượng mỡ lợn và dầu thực vật là 30:70.
Với tỷ lệ trên, cơ thể sẽ được đáp ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng, tiền chất tổng hợp các hormone sterode, vitamin D nhưng không gây dư thừa dẫn tới nguy cơ hình thành các cholesterol xấu, tình trạng máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ.
PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội, cũng cho rằng loại bỏ mỡ lợn ra khỏi thực đơn là sai lầm phổ biến trong nhiều năm qua.
So với dầu thực vật, mỡ lợn tham gia và sản xuất màng tế bào thần kinh, mỡ lợn ăn ở mức độ vừa phải cũng giúp bảo vệ thành mạch hiệu quả, giảm nguy cơ mắc tim mạch, nhồi máu cơ tim. Mỡ lợn còn giúp cơ thể tăng cường hấp thu vitamin A. Thực phẩm này còn góp phần xây dựng tế bào não cho trẻ nhỏ. Một nghiên cứu cho rằng sử dụng mỡ lợn trong chế độ ăn cho trẻ nhỏ còn có tác dụng làm tăng cảm giác thèm ăn ngăn ngừa và điều trị chứng biếng ăn ở trẻ.
Khi chế biến, mỡ lợn chiên ở nhiệt độ cao không bị biến đối thành các chất có hại như dầu ăn. Chất béo trong mỡ là chất axit béo không no, ít biến đổi thì sẽ ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn. Vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo các món ăn ở nhiệt độ cao cần sử dụng mỡ lợn.
Lưu ý, đây là thực phẩm có hàm lượng axit béo bão hòa cao, nếu dùng nhiều sẽ bị thừa chất và không tốt cho trẻ. Người bị bệnh tim mạch, đột quỵ cũng không nên ăn.