|
Một ca bóc mỡ khi mổ đẻ (ảnh minh họa)
|
Chia sẻ lại câu chuyện trên với chúng tôi, bác sĩ Lưu Quang Khải kể: “Trường hợp sản phụ này là một nữ cán bộ công chức, có trình độ học vấn. Tôi đã phân tích cho sản phụ các nguy cơ có thể gặp và khuyến cáo chị không nên thực hiện bóc mỡ khi mổ đẻ.
Nhưng chị này vẫn mong muốn được thực hiện kỹ thuật bởi lo sợ sau khi sinh mỡ bụng sẽ chảy xệ ra, da bụng không co lại được và… đằng nào cũng một lần mổ, một lần đau nên thực hiện bóc mỡ bụng luôn để sau này không phải đi phẫu thuật thẩm mỹ nữa”.
Theo bác sĩ Khải, những trường hợp có nhu cầu như trên hiện khá phổ biến, không chỉ cá nhân ông mà các bác sĩ trong khoa cũng nhận được rất nhiều yêu cầu từ các sản phụ về việc mổ đẻ kết hợp bóc mỡ bụng. Lý do chủ yếu vì trong thai kỳ, chị em thường tăng từ 10- 20kg nên lo sợ sau sinh, vùng da bụng sẽ bị chảy xệ, mất thẩm mỹ…
“Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, kết hợp bóc mỡ bụng khi mổ đẻ là không nên bởi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sản phụ, và thực tế thì cũng không có tác dụng như mong muốn” - bác sĩ Lưu Quốc Khải nói.
Phân tích kỹ hơn, Trưởng khoa Đẻ A2 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, một ca mổ đẻ thông thường chỉ kéo dài khoảng 30 phút, nếu tiến hành thêm bóc mỡ cho sản phụ sau khi mổ lấy con thì thời gian ca mổ phải kéo dài thêm ít nhất 2-3 lần.
Ngoài việc sản phụ phải đối mặt với các nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm khuẩn, băng huyết, tắc mạch huyết khối, cơ thể phải đối mặt thêm với các nguy cơ từ việc bóc mỡ bụng như chảy máu, thuyên tắc mạch, nhiễm trùng...
Còn về mặt thẩm mỹ, việc chị em bóc mỡ bụng trong khi sinh chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn (có những trường hợp được bóc ra cả “2 tảng mỡ” lớn – lời bác sĩ) nhưng chỉ sau một thời gian, lượng mỡ bụng lại trở lại như ban đầu.
Bác sĩ Khải phân tích: việc phát triển, chuyển hóa các chất trong cơ thể đều do gen chỉ huy quy định. Sau khi bóc mỡ thì gen chỉ huy tiếp tục tác động để sản sinh ra lượng mỡ bù lại lượng mỡ đã mất đi.
“Tôi đã gặp một số trường hợp được bóc mỡ khi mổ đẻ. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, mỡ bụng của bệnh nhân lại trở lại như ban đầu, thậm chí để lại vết sẹo dài, nhăn nhúm do ca mổ bóc mỡ, rất xấu” - bác sĩ Khải nói.
Chia sẻ thêm về trào lưu này, bác sĩ Đồng Thu Trang, Khoa Đẻ A2 – Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, nếu bóc mỡ trong khi mổ sinh sẽ rất nguy hiểm bởi đây là lúc sản phụ yếu nhất.
Do vậy, các bác sĩ đều khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe của mình, chị em không nên vừa mổ sinh, vừa bóc mỡ bụng. Còn muốn để giảm mỡ sau sinh, nhanh chóng lấy lại được vóc dáng, chị em nên tập luyện thể dục thể thao, chế độ dinh dưỡng hợp lý.