Phòng chống dịch COVID-19 chủng mới: Lạc quan trong tâm dịch

Google News

Thành phố Chí Linh, nơi có nhà máy Poyun là tâm dịch của đợt bùng phát COVID – 19 mới, đã bị phong tỏa. Tuy vậy, chính quyền, người dân và cả bệnh nhân COVID – 19 đều lạc quan, tin tưởng sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Cách ly gần 200.000 người
Rạng sáng 29/1, những con đường tại Chí Linh (Hải Dương) vắng lặng khi thành phố bước vào ngày phong tỏa đầu tiên. Các hoạt động của 170.000 dân và 20.000 công nhân từ nơi khác đến đều bị hạn chế bởi nơi đây là tâm dịch với ít nhất 84 ca nhiễm COVID-19 được phát hiện trong một ngày, đều là công nhân nhà máy Poyun (Khu công nghiệp Cộng Hòa). Nơi đây cũng là nguồn lây nhiễm cho các trường hợp tại Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Ninh.
“Chúng tôi thực hiện nghiêm cách ly đúng theo chỉ thị là xã nào biết xã đó, thôn nào biết thôn đó, nhà nào biết nhà đó. Tất cả sẽ cùng cố gắng hết sức để khống chế dịch bệnh trong 10 ngày”, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Chí Linh, cho biết.
Trong đêm, ông Hồng và các lãnh đạo khác của thành phố Chí Linh tỏa ra các hướng, trực tiếp kiểm tra từng chốt kiểm soát, từng xe ra vào thành phố, nhất là tại khu vực nhà máy Poyun. Chính quyền địa phương đã yêu cầu dừng các hoạt động đông người, kể cả lễ hội tại Côn Sơn Kiếp Bạc vốn thu hút rất nhiều du khách. Chí Linh là một nút giao thông quan trọng với các quốc lộ 18 và 37 chạy qua, đồng thời là vùng đất Lục Đầu Giang, nơi hội tụ của 6 con sông có mật độ tàu thuyền lớn. Tuy nhiên, tất cả hoạt động đi lại tại đây gần như “đóng băng” khi thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ thành phố Chí Linh phải phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội trong 21 ngày kể từ 12h ngày 28/1. Trong thời gian này, người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết như mua lương thực, thuốc men, cấp cứu… Mọi người cũng được khuyến cáo không tập trung quá 2 người và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc. Các hoạt động trong trường học, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, vận chuyển hành khách… đều bị tạm dừng.
Phong chong dich COVID-19 chung moi: Lac quan trong tam dich
 
Thực hiện Chỉ thị 05, ngay trong ngày 28/1, lực lượng công an đã dựng lên các chốt kiểm soát quanh Chí Linh, chỉ những phương tiện được phép mới có thể ra vào. Chính quyền đã lập 3 khu cách ly tập trung tại cơ sở 2 Trường Đại học Sao đỏ, Trung đoàn 125 cũ và Trường Cao đẳng Cơ giới Xây dựng. Phó Bí thư Nguyễn Văn Hồng cho biết, 39 chốt kiểm soát được dựng lên và cơ quan chức năng đã cách ly một lượng lớn công nhân trong 1 khu cùng 4 cụm công nghiệp của thành phố. Tuy vậy, các nhà máy chưa có ca nhiễm vẫn tiếp tục được sản xuất, chỉ cần đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Lạc quan
Chính quyền đã lên phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong 21 ngày phong tỏa. Ông Hồng nói: “Chúng tôi sẽ đảm bảo cho những người phải cách ly vẫn có Tết đúng theo phong tục, nhưng tất nhiên là điều kiện về vật chất như hiện nay hạn chế nên sẽ không thể bằng những dịp Tết bình thường. Các cơ sở hậu cần đang chuẩn bị sẵn sàng phục vụ người dân; thiết bị y tế, quần áo bảo hộ, khẩu trang… đều đã sẵn sàng. Thành phố cũng cơ bản tự đáp ứng được vấn đề lương thực, thực phẩm do từ khi có thông tin về ca mắc, chúng tôi đã triển khai ngay”.
Được hỏi về tâm lý trước dịch bệnh, nhiều người dân khẳng định, họ tin tưởng sẽ cùng nhau vượt qua đợt bùng phát mới này. Tương tự, lãnh đạo UBND phường Đồng Lạc (Chí Linh) chia sẻ: “Lo lắng là có vì tình hình phức tạp khi cả thành phố bị phong tỏa, trường học phải đóng cửa nhưng người dân vẫn rất lạc quan, không hề có hiện tượng mua tích trữ lương thực, thực phẩm… Tất cả mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ nhau, giúp đỡ chính quyền chống dịch”.
Anh H., một cư dân Chí Linh, nói qua điện thoại: “Vợ tôi là công nhân tại nhà máy Poyun và có kết quả xét nghiệm dương tính nên được đưa đi điều trị tại đơn vị quân đội ở Côn Sơn. Chiều 28/1, cả gia đình tôi được xác định là F1 và được đưa đi cách ly tại Trường Đại học Sao Đỏ. Chúng tôi ở tập trung trong 1 phòng ký túc xá, có đầy đủ điện nước và các điều kiện sinh hoạt. Tới bữa, các tình nguyện viên đều mang thức ăn, nước uống tới cung cấp cho gia đình. Nhìn chung, điều kiện sinh hoạt tốt, nhưng đúng là năm nay gia đình tôi không có Tết”.
Để đáp ứng việc điều trị, ngay trong ngày 29/1, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được chuyển thành bệnh viện dã chiến. Những người mắc các bệnh thông thường được chuyển tới bệnh viện khác điều trị, nhường chỗ cho người mắc COVID-19. Bộ đội được huy động để phun khử khuẩn và phối hợp các lực lượng khác xây dựng bệnh viện dã chiến. Có mặt tại đây, PGS. TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Đã có 26 y bác sĩ tại Bạch Mai tình nguyện xuống Hải Dương tham gia chống dịch. Chúng tôi sẽ thiết lập đơn vị hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân nặng cần phải hỗ trợ về hô hấp bởi số liệu nước ngoài cho thấy, có từ 5 - 10% người nhiễm sẽ biến chứng nặng”.
Khoảng 16h cùng ngày, 24 bệnh nhân đầu tiên từ nhà máy Poyun được chuyển tới bệnh viện dã chiến. Trong xe cấp cứu, những nữ bệnh nhân tươi cười và “bắn tim” trước ống kính máy ảnh. Trao đổi nhanh trước khi đưa người bệnh vào khu cách ly, một cán bộ tham gia vận chuyển nói: “Đa số người mắc COVID đều lạc quan, tin tưởng sẽ chiến thắng dịch bệnh”.
Theo Hoàng Dương/TienPhong

>> xem thêm

Bình luận(0)