Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communication vào hôm 13/7, các nhà khoa học đã bước đầu thành công trong sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene mang tên CRISPR để ngăn quá trình nhân bản của các tế bào virus SARS-CoV-2 trong cơ thể con người. Thành công này sẽ giúp hình thành một phương pháp điều trị mới cho các bệnh nhân Covid-19.
Theo AFP, nghiên cứu trên được tiến hành bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ Australia. Nhóm chuyên gia cho biết họ đã đạt được những kết quả khả quan trong môi trường phòng thí nghiệm và sẽ tiến hành thử nghiệm trên động vật trong thời gian sắp tới.
CRISPR là công nghệ chỉnh sửa gene cho phép các nhà khoa học thay đổi trình tự của các chuỗi ADN và thay đổi chức năng của các gene trong cơ thể con người. Đến nay, công nghệ này đã cho thấy nhiều kết quả hứa hẹn khi được sử dụng để loại bỏ các gene gây ung thư ở trẻ nhỏ.
|
Công nghệ chỉnh sửa gene là một phương pháp đầy hứa hẹn trong điều trị cho các bệnh nhân nhiêm Covid-19. Ảnh: NewScientist.
|
Khi sử dụng CRISPR trong nghiên cứu điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, các nhà khoa học đã sử dụng một loại enzym có tên gọi CRISPR-Cas13b. Những enzym này có nhiệm vụ liên kết với các RNA của virus corona và phá hủy các chuỗi gene chịu trách nhiệm nhân bản virus này.
Theo bà Sharon Lewin, nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty của Australia và là tác giả chính của nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ CRISPR để giúp các enzym nhận diện được các tế bào SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch Covid-19.
"Một khi được nhận diện, các enzym CRISPR sẽ tấn công và phá hủy các tế bào của virus. Các enzym này sẽ tấn công vào nhiều phần khác nhau của virus", bà Lewin cho biết.
Cũng theo bà Lewin, phương pháp của bà cũng đã đạt được những thành công trong việc ngăn chặn sự nhân bản của virus thuộc biến thể Alpha (còn gọi là biến chủng Anh) của Covid-19 trong môi trường phòng thí nghiệm.
Theo ông Mohamed Fareh, một nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Ung thư Peter MacCallum và đồng tác giả của nghiên cứu, một tác dụng tích cực khác khi sử dụng công nghệ CRISPR trong điều trị Covid-19 chính là nó sẽ tạo tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ này trong điều trị các loại virus khác.
Bà Lewin hy vọng rằng nghiên cứu của mình có thể cho ra đời một loại thuốc kháng virus dành cho các bệnh nhân Covid-19 để giảm khả năng phải nhập viện của những người này.
"Hiện tại, những phương pháp điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 phải nhận viện vẫn còn hạn chế và chỉ giúp giảm thiểu 30% nguy cơ tử vong của người bệnh", bà Lewin cho biết.
Tuy vậy, bà cũng thừa nhận rằng phương pháp của mình sẽ còn phải mất nhiều năm nghiên cứu và phát triển để có thể cho ra đời một sản phẩm hiệu quả, an toàn và có giá thành phải chăng trong điều trị Covid-19.