Phải gây mê mới "bắt" được đỉa
Theo đó, bệnh nhân Bùi Văn Đảo, 53 tuổi, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội nhập viện có biểu hiện khàn tiếng và vướng cổ.
Trước đó 01 tháng bệnh nhân đi đánh bẫy chuột bị đứt tay, bệnh nhân vặt nắm cỏ nhai để bịt vào vết đứt tay.
Về nhà bệnh nhân thấy vướng họng, đau rát họng, cảm giác có con vật ngọ nguậy trong họng, soi gương thấy một phần vật thể mầu nâu đen động đậy, kèm theo có biểu hiện khàn tiếng từng lúc, có lúc mất tiếng. Bệnh nhân cũng cho biết không khó thở, không sốt, không buồn nôn, có đôi lúc ho khạc ra ít máu lẫn trong nước bọt.
Con đỉa trong cuống họng bệnh nhân qua nội soi.
ThS.BS Hà Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt - Mắt, Bệnh viện Nội tiết TƯ cho biết, đây là ca bệnh dị vật sống đường thở ít gặp. Sau khi tiến hành nội soi tai mũi họng phát hiện “dị vật sống” ở thanh quản, khi dùng ánh sáng soi, dị vật chân bám chặt phía dưới hạ thanh môn gần khí quản.
Tham khảo ý kiến từ khoa Gây mê hồi sức, nếu tiến hành gây tê lấy dị vật còn sống ra ngoài sẽ khiến người bệnh giẫy giụa khó thở, khó thực hiện việc đưa dị vật ra, thậm chí khả năng dị vật còn chui sâu xuống bên trong, do vậy chúng tôi đã quyết định tiến hành gây mê bệnh nhân.
Sau khi được chỉ định nhập viện các bác sĩ tại khoa Tai Mũi Họng đã phối hợp với kíp Gây mê hồi sức thực hiện thủ thuật lấy “dị vật sống” thành công. Dị vật sau khi được lấy ra là một con đỉa suối đang sống có kích thước khoảng 6cm. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, khoẻ mạnh, sinh hoạt bình thường và xuất viện về với gia đình.
Các bác sĩ Bệnh viện nội tiết TƯ thực hiện gắp đỉa cho bệnh nhân.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị đỉa ký sinh trong cơ thể thường sống ở khu vực miền núi, vùng nông thôn hay sử dụng nước trong các khe suối, con mương. Con đỉa khi mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thường có kích thước rất nhỏ nhưng khi vào cơ thể một thời gian ngắn, chúng sẽ hút máu và phát triển rất nhanh.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước, lá cây, rau rừng không đảm bảo ở các khe suối, con mương để uống, sinh hoạt, đề phòng các dị vật sống chui vào người. Khi có bất kỳ biểu hiện nào bất thường về sức khỏe, người dân cần đi khám sớm tại cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng, tránh nguy cơ để dị vật kí sinh trong cơ thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cách phát hiện đỉa chui vào người
Theo các chuyên gia, những loài đỉa sống ở dưới nước ngẫu nhiên chui vào cơ thể người khi uống nước qua đường miệng hoặc chui vào đường tiết niệu, sinh dục do tắm lâu dưới nước.
Khi uống nước lã, đỉa nhỏ có thể chui vào miệng, bám vào niêm mạc hầu, xuống thực quản, lên mũi; do hít sâu nên đỉa có thể xuống tới phế quản. Đỉa thường bám vào thanh quản, hầu, mũi, họng, thực quản.
Triệu chứng thường gặp là chảy máu liên tục do đỉa tiết ra chất hirudine có tác dụng chống đông máu, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn. Triệu chứng chảy máu được phát hiện dưới các hình thức ho ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu.
Đỉa thường bám vào một vị trí nào đó để hút máu nên chúng gây ra những triệu chứng như tăng áp lực, khó chịu, đau, thần kinh bị kích thích bắt nguồn từ nơi bị ký sinh; rối loạn chức năng cơ quan bị đỉa ký sinh, bội nhiễm vi khuẩn gây viêm ở nơi đỉa bám hút máu; có thể gây ổ áp xe ở lớp dưới niêm mạc.
Nếu đỉa bám vào thanh quản, bệnh nhân ho liên tục, đờm có chất nhầy lẫn máu, bị đau ngực, khó thở, nói khàn giọng, tím tái, đôi khi mất tiếng nói.
Nếu đỉa ký sinh ở hầu, khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong.
Nếu đỉa ký sinh ở lưỡi gà, thực quản sẽ gây nuốt khó, nôn oẹ.
Đỉa có thể chui vào chỗ kín của phụ nữ gây chảy máu kéo dài, hoặc chui vào đường sinh dục của nam giới gây chảy máu đường tiết niệu.
Khi đỉa chui vào mắt gây chảy máu ở mắt; người bệnh sợ ánh sáng, chảy nhiều nước mắt.
Theo các bác sĩ, điều trị đỉa ký sinh sẽ tùy theo từng trường hợp. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ đỉa xâm nhập vào cơ thể.