Trời càng về khuya càng lạnh, từng cơn gió cứ se sắt như hiểu thấu nỗi lòng của chị. Hơn 40 năm cuộc đời, khó khăn gì cũng từng trải qua, nhưng nghĩ lại, chị vẫn không biết mình đã “khôn” hay “dại” khi gánh thêm cả một gia đình người dưng trên vai.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Chồng mất sớm năm chị mới 28 tuổi, đứa con thứ hai còn ẵm trên tay, chưa kịp nhớ mặt bố. Chị cắn răng gửi đứa con đầu vào Sài Gòn nhờ người em trai nuôi ăn học. Được sự động viên của nhà chồng, chị gắng gượng vượt qua nỗi đau để nuôi đứa con nhỏ. Thời buổi khó khăn, nhà người ta đủ vợ đủ chồng mà còn phải chạy ăn từng bữa; trong khi chị một thân một mình gồng gánh việc nhà cửa, ruộng vườn, vất vả không kể xiết.
Nhiều lúc con đã ngủ say, chị nhìn con mà rớt nước mắt thương cho phận mình. Nhưng trời chẳng lấy hết của ai bao giờ. Một tay chèo chống, dần dần chị cũng có của ăn của để. Xin phép mẹ chồng, chị về xây nhà mới gần nhà mẹ ruột. Chị biết ơn gia đình chồng đã luôn hỗ trợ, nên dù chồng mất nhưng việc to việc nhỏ gì chị cũng đều xin ý kiến mẹ và anh em nhà chồng.
Là phụ nữ, chị không tránh khỏi những lúc chạnh lòng khi nhìn người ta có đôi có cặp. Biết trách ai đây, chị chỉ tự trách mình phận mỏng. Cũng có nhiều người đến với chị, già trẻ sang hèn có đủ, nhưng chị chưa ưng ai. Người quen nói, sao chị dại thế, còn trẻ thì phải tìm người bầu bạn, ở vậy cả đời thật uổng phí. Nhưng chị nghĩ, mình lấy chồng mới sẽ bị thiên hạ cười chê vì còn con cái, còn nhà chồng.
Cuối cùng, run rủi thế nào chị lại phải lòng một người đàn ông đã có gia đình, từ miền Trung xa xôi bỏ vợ bỏ con đến quê chị lập nghiệp. Anh làm ở bưu điện xã, lương vỏn vẹn 2 triệu đồng/tháng. Chị không biết phải gọi mối quan hệ của hai người như thế nào. Anh ta độc thân thì dễ; đằng này một vợ, hai con, đủ nếp, đủ tẻ. Làm sao chị dám? Anh cũng có tình cảm với chị, nhưng phải chăng chỉ vì đàn ông không chịu được cảnh thiếu thốn tình cảm. Chuyện chị và anh mến nhau, cả xã đồn ầm. Chị tự nhủ, mình không thể chen vào mối quan hệ không định tính, cũng chẳng định lượng như thế được. Nhưng khi yêu, lý trí như chào thua con tim.
Đắn đo mãi, chị đồng ý để anh “di dời” chỗ ở từ bưu điện về nhà mình. Lúc đầu, nhà chồng chị quyết liệt phản đối. Lời ra tiếng vào chị nghe mãi cũng quen. Suy cho cùng, chị có quyền tìm hạnh phúc mới cho mình; dù chị không hề nghĩ có ngày cuộc sống già nhân ngãi non vợ chồng thế này sẽ vận vào mình. Chị ngậm ngùi, thôi thì được ngày nào hay ngày ấy. Hai con chị dần cũng chấp nhận ông dượng “hờ”. Họ hàng nhà chồng rồi cũng thôi này nọ, bởi dẫu sao chị cũng là đàn bà, cần có người đàn ông bên cạnh.
Thật ra, anh ta đến với chị vì tình yêu hay vì tiền thì chị cũng không rõ, có lẽ chỉ anh là người duy nhất trả lời được chuyện này. Ngày về góp gạo thổi cơm chung với chị, anh chẳng có gì ngoài ba bộ quần áo. Đi làm xa, anh còn nặng gánh trách nhiệm làm chồng, làm cha với gia đình ở quê xa. Chị biết nên không đòi hỏi gì từ anh. Phụ nữ yêu bằng tai là câu rất đúng đối với chị. Chẳng biết anh đã rủ rỉ những gì mà chị bỏ ra một số tiền lớn mở xưởng cưa cho anh làm chủ. Từ ngày có xưởng, anh tuyển thợ vào làm, mở rộng kinh doanh, doanh thu ngày càng lớn. Đầu tư cho cơ ngơi đó là tiền từ túi chị nhưng tiền kiếm được thì anh sắm xe hơi riêng, gửi về quê cất nhà cho bà lớn, nuôi con ăn học.
Chị sống với anh ta như thế được 15 năm. Không giấy tờ, không cưới xin nhưng tiếng nói của anh trong nhà chị là tuyệt đối. Anh có quyền đe nẹt con chị, lấy danh nghĩa của chị đi tìm các đơn hàng. Có khi anh còn ghen với những người đàn ông dám cười với chị. Những khi chị quá mệt mỏi, trái tính là anh xéo xắt nọ kia ngay. Chân yếu tay mềm nhưng mùa cao điểm chị cũng phải đứng phụ xẻ gỗ, theo xe đi nhập gỗ. Có đợt xe gỗ bị lật trên đường, anh ta là đàn ông, nhanh chân thoát; còn chị lớ ngớ, bị khúc gỗ to đè gãy chân.
Hai tháng bó bột cái chân, chị không làm được gì phải nhờ anh giúp đỡ, anh luôn mặt nặng mày nhẹ. Tết rồi là cũng tròn 15 năm chị đón tết một mình, vì anh ta phải về nhà với vợ. Chị là phận lẽ, những dịp sum vầy đâu đến lượt. Cứ gần tết là một tay chị lo gói bánh, làm dưa hành củ kiệu, mua heo ngon để anh ta đem về quê.
Có những năm khách chưa kịp trả tiền hàng, chị ngược xuôi lo đủ mấy chục triệu để anh ta cầm về. Nhiều lúc, chị nhận ra mình đang gánh trên vai một gia đình người dưng. Tấm lòng của chị, ai hiểu? Vợ anh ta không biết đến sự tồn tại của chị. Anh ta cũng chẳng dại mà tiết lộ. Ngự ô tô về quê, người ngoài ấy cứ tưởng anh ta giỏi lắm, thành đạt lắm, đã phất lên hẳn rồi. Nếu không nương váy chị, anh ta có được như hôm nay?
Bao nhiêu lần anh ta về quê là bấy nhiêu lần chị thổn thức. Những lần như thế, xem như hai người cắt đứt liên lạc. Anh muốn gọi cho chị lúc nào thì gọi, chị không được gọi anh, để tránh bị phát hiện. Anh trở vào khi nào cũng là quyền của anh, chị không được ý kiến, cứ vậy mà vò võ chờ. Nói thật, chị cũng ghen với bà vợ anh ngoài kia. Chị hay than với bạn bè, không biết bà ấy phúc đức gì mà sướng vậy, chẳng phải lo tiền bạc, nhà cửa gì hết. Bao nhiêu năm qua anh ta một mực gom góp về xây nhà đẹp, nuôi con ăn học; giờ đâu đã vào đó chị lại phát hiện anh ta quay sang dùng tiền mua bảo hiểm cho họ.
Đắng cay quá! Anh ta đã tính hết đường đi nước bước rồi, chắc chắn sẽ không ở đời với chị. Khi chị già yếu là anh ta buông tay quay về thôi. Nơi này đâu phải quê hương xứ sở, đâu có gia đình anh. Với anh ta, chị chẳng tính toán gì, nhưng với chị, anh tiếc từng đồng. Khi chị nói sẽ mua cho con trai lớn mảnh đất, anh bàn lùi ngay, chị đành thôi. Chị đến với anh ta một lòng khát khao được yêu thương, được hạnh phúc; còn anh ta thế nào, mười mấy năm chung sống, chị cũng đã không thể không nhìn thấu.
Lần này, chị dứt khoát không khắc khoải đợi chờ anh ta trở về nữa. Chị sẽ “tính sổ” rõ ràng với anh, không làm vậy thì cuối cùng chị cũng chỉ còn lại một mình. Chị phải tỉnh táo lại, vì tương lai của các con chị. Nếu ngày trước chị cứ “dại”, cứ ở một mình, hóa ra lại hay. Người ta bảo chị đa tình, nhưng lần này thì dứt khoát phải “khôn” ra thôi. Tuần sau, chị sẽ đi đặt cọc mảnh đất cho con trai, rồi dành thời gian thăm viếng những người thân đã lâu ngày không gặp. Quanh chị vẫn không thiếu những người thân luôn lo lắng, bảo vệ chị. Rồi chị cũng sẽ vượt qua thôi.