Sáng 7/12, tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội vượt ngưỡng đỏ, chạm tím - ngưỡng rất xấu, ảnh hưởng sức khỏe mọi người.
Cụ thể, 6h sáng 7/12, Hệ thống quan trắc không khí PAMAir đo được nhiều nơi ở Hà Nội có chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) vượt ngưỡng đỏ lên tím - ngưỡng rất xấu, ảnh hưởng tới sức khoẻ của mọi người. Điển hình như Hoàn Kiếm (AQI là 235), Đại La (209), Hoàng Cầu (207), Cầu Giấy (206), Trung Hoà (202), Nguyễn Chế Nghĩa (202).
Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội thời điểm sáng sớm nay cũng ghi nhận nhiều khu vực AQI đạt ngưỡng xấu, gồm: Trần Hưng Đạo (174), Hàng Mã (159)…
Trang Airvisual lúc 6h sáng nay cũng xếp Hà Nội đứng thứ 6 trong tổng số 10.000 thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới với AQI 180, nồng độ bụi mịn 110.9 µg/m³. Đơn vị đo tính theo Mỹ.
|
Hà Nội đứng thứ 6 trên tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: Airvisual. |
AQI của Hà Nội chạm ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu), tức là không khí thủ đô đang ở mức ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của tất cả mọi người, khuyến cáo người già, trẻ em, nhóm người có tiền sử mắc bệnh mãn tính về hô hấp, có nhu cầu thở nhiều nên ở trong nhà.
Theo các chuyên gia, chất lượng không khí ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc những ngày qua đang ở thời điểm giao mùa Thu - Đông, ngày nắng, đêm lạnh, hanh khô nên dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là nguyên nhân khiến khói bụi bị giữ lại ở bầu khí quyển, không thể phát tán và bay đi.
Chất lượng không khí Hà Nội những ngày qua đang có dấu hiệu xấu đi, đặc biệt là vào buổi sáng và chiều tối. Nồng độ bụi mịn PM2.5 cũng tăng dần.
Trước tình trạng ô nhiễm nặng nề, các chuyên gia khuyến cáo mọi người, nhất là những nhóm người nhạy cảm, người già, trẻ em, phụ nữ đang mang thai, người mắc bệnh hô hấp mãn tính nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.
Theo khuyến cáo của Tổng cục Môi trường, những ngày ô nhiễm không khí như hiện nay, người dân nên hạn chế ra ngoài. Nếu ở bên ngoài, cần đeo khẩu trang đúng quy chuẩn để hạn chế ảnh hưởng có hại đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời…