“Da mặt tôi mẩn cả tháng không hết nổi. Đi khám, bác sĩ bảo dị ứng không khí, muốn khỏi tình trạng này, bác sĩ cũng không có cách. Vì sao ô nhiễm kinh khủng thế nhỉ?”, Nguyễn Thị Thảo (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) than phiền.
Một tháng qua, cô đã tới bệnh viện khám da liễu 3 lần. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ cải thiện vài ngày rồi lại tiếp tục mẩn ngứa, khiến Thảo rất khó chịu.
Tương tự, Trịnh Thảo Nguyên (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ gần đây trên mặt mọc rất nhiều mụn, lộ rõ viêm mủ. “Ai gặp tôi cũng ái ngại bởi da nổi sần sùi, mụn thâm đen. Còn tôi lúc nào cũng cảm thấy ngứa nên dùng tay gãi khiến mụn mọc càng nhiều hơn”, chị Thảo Nguyên lo lắng.
Về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Minh Trang, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), cho biết: “Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khoảng 2.500 bệnh nhân/ngày tới khám với nhiều loại bệnh khác nhau. Gần đây, chúng tôi cũng ghi nhận số lượng bệnh nhân tới khám và được chẩn đoán các bệnh liên quan đến dị ứng như viêm da tiếp xúc dị ứng, mày đay, viêm da cơ địa tăng lên rõ rệt. Sắp tới, nếu tình trạng vẫn không giảm, bệnh viện sẽ có thống kê cụ thể”.
|
Chất lượng không khí Hà Nội thường xuyên ở mức kém. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chuyên gia này cho hay ô nhiễm không khí có thể làm khởi phát hoặc nặng lên một số bệnh như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, mày đay, lão hóa da, rám má, xạm da. Đặc biệt, tình trạng này còn làm cho một số bệnh da kém đáp ứng điều trị và dễ tái phát nặng lên, kéo dài, khó điều trị hơn.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu do khói bụi, khí thải như NO2, CO, SO2, tạo thành các bụi mịn (dạng lỏng hoặc rắn) có kích thước siêu nhỏ, chỉ bằng 1/40 hạt cát. Chúng rất có hại cho sức khỏe, dễ dàng xuyên qua hàng rào bảo vệ da vốn rất mỏng.
“Ô nhiễm không khí, không chỉ tác động trực tiếp, phá vỡ hàng rào bảo vệ da, gây bệnh như một yếu tố trực tiếp. Các bụi mịn, siêu mịn còn tương tác với bức xạ mặt trời (các tia UV) để gây lão hóa da nhanh chóng, tổn thương da, thậm chí ung thư da thông qua việc tác động vào các thành phần trên da như tế bào sừng, nguyên bào sợi, tế bào hắc tố”, bác sĩ Trang phân tích.
Như vậy, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người có sẵn bệnh lý về da, cơ địa dị ứng, người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, dưới ánh nắng hoặc trong môi trường khói bụi, không được bảo hộ lao động đầy đủ.
Do đó, người dân cần chủ động bảo vệ sự khỏe trước các tác động tiêu cực của môi trường. “Chung tay bảo vệ môi trường là biện pháp cốt lõi, lâu dài. Đó là cách bảo vệ bản thân tốt nhất người dân cần ý thức thực hiện”, bác sĩ Trang khuyến nghị.